1

About Sĩ Phú

On The News

Album Collections

Memories

Special Events

Chiều Sĩ Phú

Đêm Ra Mắt CD

Những Gì Anh Hát

Thư Độc Giả

Hồi Ký: Biết Bao Giờ Nguôi

Contact Us

 

 

Trước        Mục Lục       Tiếp

Chương Hai Mươi
Những Ngày Tháng UCI

Chín giờ sáng, sau buổi điểm tâm, họ đưa anh lên băng ca và đẩy vào phòng giải phẫu. Phương pháp chữa quang tuyến mới này đòi hỏi hai chặng đường: chặng đường thứ nhất là đặt hai con ốc trên đầu anh để giúp cho việc sử dụng quang tuyến được chính xác và có hiệu quả hơn. Chặng thứ hai, một hai ngày sau đó, mới thật sự là chữa bướu óc. Các bác sĩ đã tề tựu đông đủ, họ lần lượt đến gặp chúng tôi và giới thiệu. Mặc dù đã được Bác Sĩ Ammirati cho biết là việc đặt hai con ốc trên đầu anh sẽ rất giản tiện và nhanh chóng, nhưng trước những sửa soạn nghiêm chỉnh và tỉ mỉ của họ, tôi có cảm tưởng đây sẽ là một giải phẫu quan trọng. Anh nằm trên giường đưa mắt quan sát. Xem anh có vẻ bình thản, sẵn sàng chấp nhận những gì sẽ đến. Tôi nắm chặt tay anh, nói chuyện rất bình thường để trấn an. Anh hiểu ý, nhìn tôi nói:

- Em đừng lo, anh không sợ đâu. Cái gì anh cũng chịu đựng được.

- Anh can đảm lắm ! Em hy vọng phương pháp chữa trị này sẽ không làm anh đau đớn và mong rằng mọi sự sẽ thật êm xuôi ! Em sẽ cầu nguyện cho anh !

Một cô y tá người Việt Nam từ bên trong phòng giải phẫu bước ra nói chuyện với chúng tôi. Cô xin phép anh cho cô làm những thủ tục sau cùng.

Gần mười giờ, họ đẩy băng ca đưa anh vào phòng giải phẫu, họ yêu cầu tôi ngồi ngoài phòng đợi. Khi xong, họ sẽ cho tôi hay. Họ cho biết việc đặt hai con ốc lên đầu anh sẽ tốn khoảng một tiếng đồng hồ.

Tôi ra ngoài phòng chờ đợi, kiếm một cái ghế ở một góc yên tịnh, ngồi chờ và tôi bắt đầu cầu nguyện cho anh. Năm phút sau, tôi tựa đầu vào tường, tìm một giấc ngủ ngắn. Nhắm mắt lại là tôi ngủ liền vì tôi thiếu ngủ nhiều quá. Tuy nhiên vì sự ồn ào ở chung quanh phòng đợi, nên chỉ không đầy một tiếng đồng hồ sau, tôi thức dậy, vội vã đi vào phòng chỉ dẫn để hỏi về anh.

Người tiếp viên gọi điện thoại liên lạc, cô cho tôi biết anh vẫn còn ở trong phòng giải phẫu. Tôi trở ra ngoài phòng khách tiếp tục ngồi chờ. Nửa tiếng rồi một tiếng đồng hồ trôi qua, anh vẫn chưa ra khỏi phòng giải phẫu. Tôi nóng ruột đi vào hỏi cô tiếp viên:

- Cô có chắc là cô nói đúng hay không ? Có quả thực ông Phú Nguyễn vẫn còn trong phòng giải phẫu không ? Tôi nghi là không đúng như vậy ! Xin cô xem lại giùm.

Cô tiếp viên quay trở về đánh vào máy computer tên của anh một lần nữa. Cô ngước lên:

- Ông ấy vẫn còn trong phòng giải phẫu , chưa ra.

- Hôm nay có bao nhiêu người mang tên Phú Nguyễn vào phòng giải phẫu vậy cô ? Tôi thấy có quá nhiều ông Phú Nguyễn ở trong đây. Cô có thể xem lại một lần nữa giùm tôi xem sao. Nhớ là ông ấy có chữ lót là S. Cô có cần ngày sinh nhật của ông Phú không ?

Cô ngước lên:

- Tôi cần, xin cô cho tôi !

- Ngày 9 tháng 1, năm 1942.

Cô tiếp viên đánh tên và ngày sinh của anh vào máy.

Cô vui mừng cho biết:

- Ô ! Ông Phú đã ra phòng phục hồi rồi, chút xíu nữa, người ta sẽ đem ông trở về phòng. Cô ráng chờ một chút nữa nhé ! Khi nào ông sắp sửa đi, chúng tôi sẽ cho cô hay.

Tôi trở lại phòng chờ và gọi điện thoại lên phòng anh để xét lại cho chắc ăn. Trên đó họ nói là anh vẫn chưa trở lại.

Nửa tiếng, rồi bốn mươi lăm phút đồng hồ trôi qua, anh vẫn chưa ra.

Tôi trở lại hỏi cô tiếp viên:

- Cô có thể xem giùm tôi ông Phú đã trở về phòng chưa ?

Cô nhìn vào máy:

- Ông Phú đã ra khỏi phòng phục hồi rồi và đang trên đường trở về phòng, cô nên trở về trên đó đi.

Tôi ba chân bốn cẳng chạy về trên phòng của anh. Nhưng anh không có ở đó. Tôi chạy lên, chạy xuống tìm anh. Mãi một lúc sau, tôi mới tìm được anh. Anh đang được một người Mỹ đẩy băng ca đưa về phòng. Hai con ốc đặt ở trên đầu phía bên tay mặt trồi lên khoảng một phân. Máu rỉ ra thấm ướt da đầu và tóc. Anh có vẻ đau đớn và mệt mỏi lắm.

Gặp tôi, anh đưa tay ra quờ quạng, tôi đưa tay ra nắm lấy tay anh. Anh nói với tôi:

- Họ bỏ quên anh ở hành lang bên trong khu giải phẫu thật lâu, hơn 50 phút chứ không ít.

- Thảo nào mà họ nói anh đã trở về phòng rồi mà mãi gần một tiếng đồng hồ sau cũng không thấy anh. Em chạy lên, chạy xuống phòng anh và phía ngoài phòng giải phẫu mệt muốn đứt hơi mà vẫn không tìm thấy anh.

Tôi nhìn đồng hồ, lúc ấy đã gần 3 giờ chiều.

Sau khi anh đã vào giường xong xuôi. Tôi mang vớ ấm vào chân và kéo chăn đắp lên ngực cho anh:

- Anh có đau nhiều không? Trong người anh thấy thế nào ?

- Anh hơi ê chút thôi, khi hết thuốc tê rồi, lúc ấy mới đau.

- Em sẽ đi ra Bolsa mua cho anh một tô cháo cá. Anh có cần em mua cái gì nữa cho anh không ?

- Thôi em đi làm chi cho phí công. Anh không muốn ăn gì hết.

- Nếu em biết anh mất gần một ngày cho cái vụ này, thì em đã đi mua cháo cho anh hồi sớm rồi, nhưng vì họ nói thủ tục rất đơn giản, chỉ tốn một tiếng đồng hồ thôi, nên em ở lại phòng đợi, em đâu dám đi đâu. Ai ngờ..

- Thì đúng là như vậy. Bác sĩ chỉ tốn có 45 phút thôi, thì giờ còn lại là chờ đợi và đợi chờ.

- Thôi bây giờ anh nghỉ đi. Ráng ngủ một chút đi anh, trông anh có vẻ đau đớn và mỏi mệt lắm !

- Anh chưa buồn ngủ lắm. Em nhớ ra ngoài nói với các cô y tá xin cho anh thuốc giảm đau.

- Dạ vâng, em sẽ lo vụ thuốc thang cho anh, anh đừng lo. Ráng nghỉ ngơi một chút đi anh nhé !

Tôi đi ra ngoài nói chuyện với một cô y tá và xin thuốc giảm đau. Cô hứa sẽ gọi bác sĩ để xin thuốc cho anh.

Trở về phòng, tôi nói với anh:

- Em đã xin thuốc cho anh rồi. Khi nào anh ngủ yên thì em sẽ đi. Anh hãy đừng làm gì cả để không bị động vết thương trên đầu. Có cần cái gì thì anh cứ bấm nút gọi các cô ấy, đừng lo ngại là anh làm phiền người ta, anh nhé !

- Em thì lúc nào cũng muốn làm thật nhiều cho anh. Nhưng anh thì không cần gì hết. Nếu em muốn đi mua cái gì em cần thì em cứ đi.

Anh nhắm mắt, hơi thở bình thường trở lại.

Rồi anh mở mắt ra, dịu dàng nói:

- Ừ cũng được, em đi mua thức ăn đi cưng. Nếu có thể, em mua cho anh một gói xôi đậu phọng và một cái bánh bía nhân đậu xanh nhé !

Thật sự thì anh không muốn tôi đi ra ngoài. Anh muốn tôi ở lại với anh, nhưng tôi vô tình không để ý. Vả lại, vì chờ anh suốt ngày, tôi đói meo. Tôi muốn chạy ra chợ mua một khúc bánh mì cho tôi và một tô cháo cá cho anh ăn ấm lòng. Ðau đớn như vậy mà ăn đồ Mỹ khô khan, làm sao anh nuốt cho nổi. Hơn nữa tôi cũng muốn mua một vài thức ăn tạp để phòng hờ khi đói lúc về khuya.

Tôi ra ngoài nói với các cô y tá là tôi cần đi chút việc, và nhờ các cô ấy nhìn chừng anh giùm tôi. Họ rất sẵn sàng. Tôi dặn cô y tá trực của anh:

- Chồng tôi đang ngủ trong ấy, khi thức dậy có thể sẽ bị đau đớn vì hết thuốc tê. Xin cô để ý giùm ông ấy cho tôi. Cô có xin bác sĩ cho thuốc giảm đau cho chồng tôi không ?

- Có, bác sĩ Ammirati đã đưa toa cho chúng tôi. Cô yên chí. Chúng tôi sẽ lo cho ông.

Yên tâm, tôi ra lấy xe đi về khu Little Saigon. Cũng may mắn, bệnh viện này rất gần với khu chợ Việt Nam nên tôi thường đến đó để mua thức ăn cho anh.

Tôi vào một tiệm bán cháo ngon nổi tiếng ở vùng này để mua cho anh một tô cháo cá. Tôi vào một gian hàng khác bán thức ăn khá nổi tiếng của một người quen để mua một mớ thức ăn cho chúng tôi.

Trong lúc chờ đợi cô bán hàng, tôi thấy một gương mặt quen quen của một anh chàng trẻ tuổi mà không biết đã gặp ở đâu rồi. Tôi nhìn anh ta, cố nhớ lại...

Anh ta cũng nhìn tôi, kêu lên:

- Chị... có phải là chị Ngọc Lan không ?

- Vâng, chị là Ngọc Lan, thế xin lỗi....tôi không nhớ.......

- Chị không nhớ em sao ? Em là Hiếu, em làm ở tiệm kính... mà hồi trước chị vào mua kính cận.

- A Hiếu, chị nhớ ra rồi. Hay quá, Hiếu còn nhớ tên chị !

- Nhớ chứ, em làm sao mà quên chị ! Chị đi đâu đây ?

- Chị đi mua thức ăn cho anh Phú.

- Hôm rày gia đình chị vẫn mạnh ? Có gì lạ không chị ?

- Anh Phú đang nằm trong nhà thương bệnh rất nặng, chị đi chợ mua thức ăn cho anh ấy đây ! Chị buồn lắm Hiếu ơi !

Tôi kể cho Hiếu nghe vắn tắt về bệnh trạng của anh.

Hiếu tỏ vẻ buồn, đăm chiêu nghiêm trang nói:

- Chị nên đi cầu nguyện cho anh. Nếu chị muốn, tụi em sẽ giúp chị. Có nhiều cách để giúp anh lắm !

- Cảm ơn Hiếu, nhưng Hiếu giúp bằng cách nào ?

- Tin tưởng vào bề trên, vào Thượng Ðế và giao phó hết cho bề trên mọi việc. Lòng tin sẽ giúp rất nhiều cho anh lẫn chị nữa. Tụi em thường hay đi phóng sinh để tạo công đức. Nếu chị muốn, tụi em sẽ giúp anh chị. Việc từ thiện thì tụi em lúc nào cũng sẵn sàng.

- Gặp lại Hiếu hôm nay là một cái duyên rất tốt. Chị sẽ cần gặp Hiếu để nói chuyện thêm. Hiếu cho chị xin số điện thoại để chị dễ liên lạc về sau.

Hiếu cho tôi mấy số điện thoại. Tôi cẩn thận cất vào cái ví nhỏ. Tôi hấp tấp trả tiền rồi trở về bệnh viện. Trên đường về, bị kẹt xe, tốn hơn 20 phút tôi mới về đến bệnh viện mặc dù đoạn đường khá ngắn. Anh đã thức từ lâu, giọng nói run run, anh có vẻ đau đớn:

- Em vừa đi là anh thức dậy xin họ thuốc giảm đau vì anh cảm thấy đau buốt trên đầu, nhưng mãi đến giờ này mà họ cũng chưa đem đến. Anh cố ngủ mà ngủ không được vì bị đau quá.

Tôi vội vàng ôm anh, đưa tay vuốt vuốt mặt anh:

- Tội nghiệp anh quá, hèn gì mà anh không muốn em đi !

Tôi vội chạy ra ngoài trạm y tá. Nói với cô y tá trực:

- Xin cô cho chồng tôi thuốc giảm đau, chúng tôi đã xin các cô lâu lắm rồi mà vẫn chưa có.

- Ðược rồi, cô chờ một chút. Chúng tôi rất bận rộn trong lúc này, không có ai ở đây cả, chỉ còn có một vài người y tá mà họ cũng đang bận với bệnh nhân khác. Xin cô thông cảm chờ tí nữa.

Tôi trở vào phòng, vuốt ve anh. Tôi không dám đưa tay sờ đầu vuốt tóc anh vì đầu anh đầy những máu vừa rỉ ra. Họ không băng bó vết thương lại mà để y nguyên trông rất khiếp đảm. Hai con ốc chĩa ra khỏi da đầu anh xem rất đau đớn. Tôi lấy khăn ướt âm ấm lau những chỗ nào tôi có thể lau được cho anh. Anh kêu đau, không cho tôi sờ vào.

Mười phút rồi mười lăm phút trôi qua, cô y tá cũng vẫn chưa có thuốc giảm đau cho anh. Tôi đi vội ra ngoài, anh kêu tôi lại:

- Em à, em đừng nói gì gây phiền phức cho người ta. Anh không thích đâu, cái gì cũng phải từ từ. Nhớ nhé !

- Nhưng anh chờ đợi đã quá lâu rồi, em phải nói với họ chứ !

- Có nói gì thì em phải nói đàng hoàng với người ta đừng lớn tiếng vì sẽ không giải quyết được gì, nhớ giùm anh nhé cưng !

Tôi vâng dạ rồi đi tìm cô y tá.

Trạm y tá chỉ còn có một cô, các cô kia có lẽ đang bận với bệnh nhân. Tôi nói với cô còn lại:

- Cô ạ, chồng tôi đang rất đau đớn. Ông ấy đã xin thuốc gần ba tiếng đồng hồ rồi mà cũng vẫn chưa có. Ông ấy gọi các cô rất nhiều lần mà không cô nào đến. Tôi yêu cầu các cô đi lấy thuốc giùm cho ông ấy ngay bây giờ.

- Tôi mới vừa đến, tôi không biết gì hết. Ngay bây giờ chúng tôi rất bận, có rất nhiều bệnh nhân đang cần chúng tôi, chúng tôi chưa có thể đi lấy được. Cô ráng chờ, chúng tôi sẽ đem đến.

- Rất tiếc tôi không thể chờ được nữa. Tôi nhờ cô đi lấy thuốc giùm ngay bây giờ.

Cô y tá nhìn tôi. Cô muốn tôi cút đi chỗ khác.

Tôi quắc mắt nhìn cô, tôi nhất định không đi.

Tôi lập lại lời yêu cầu:

- Xin nhờ cô đi lấy thuốc giùm ngay bây giờ. Tôi sẽ đứng đây chờ cô. Tôi sẽ không đi đâu hết nếu không có thuốc. Còn nếu cô không cho ông ấy thuốc, thì buộc lòng chúng tôi phải đi mua thuốc từ ngoài đem vào.

- Ồ không ! Cô không được phép đem thuốc từ ngoài vào.

- Nhưng nếu bệnh nhân đau mà các cô không cho thuốc thì các cô phải chịu trách nhiệm khi tôi đem thuốc từ ngoài vào. Bác sĩ đã cho phép uống thuốc từ mấy tiếng đồng hồ rồi.

Tôi đứng ỳ tại chỗ. Cô cầm điện thoại lên gọi ai đó. Năm phút sau, một cô khác đem thuốc giảm đau vào cho anh. Tôi rời trạm y tá, trở về phòng anh, vừa lúc cô y tá đi ra, anh nói:

- Họ đem thuốc đến cho anh uống rồi. Em đừng làm khó họ tội nghiệp.

- Em đâu có muốn làm khó các cô ấy đâu. Các cô ấy quá bận rộn, không cảm nhận cái đau của anh bằng em thôi. Dù sao, các cô ấy có lẽ đã chai rồi. Họ tiếp xúc với bệnh nhân mỗi ngày, nên đã quen cái đau của bệnh nhân. Chắc họ không còn cảm xúc gì nữa.

- Thôi em à?

Tôi ngắt lời anh:

- Thật sự vì thấy anh đau quá nên em mới buộc lòng phải bênh vực anh thôi. Em cũng biết họ rất là bận rộn vì lầu này có quá nhiều bệânh nhân mới đến.

Rồi tôi phân trần:

- Nói gì thì nói, nghề y tá đối với em là nghề cao quý nhất. Ngày trước em ít khi để ý đến họ. Nhưng từ ngày nuôi mẹ em trong bệnh viện, rồi bây giờ đến anh, em rất quý trọng các cô y tá. Có rất nhiều nghề họ có thể chọn, nhưng họ chọn nghề y tá, một nghề cực nhất, vì họ có một tấm lòng. Em luôn luôn thán phục những người có tấm lòng cao đẹp anh à !

- Nếu em nghĩ như vậy thì anh rất mừng. Từ nay về sau ráng đối xử ôn hòa với họ. Anh không muốn gây phiền toái cho ai hết, nhất là những người đang giúp mình. Phải công nhận họ quá chậm chạp, từ lúc anh bị đau và gọi họ để xin thuốc đến bây giờ gần ba tiếng đồng hồ rồi chứ ít sao.

Tối hôm ấy, nhờ uống thuốc vào, anh bớt đau.

Tôi đút cháo cá cho anh ăn. Tôi xin họ sữa Ensure loại Sô Cô La cho anh uống vì anh thích loại này.

Tôi định cho anh ăn thêm nhưng anh bảo thôi, anh có vẻ mệt. Tội nghiệp anh ngày đó. Ðầu thì bị đóng đinh, cả thân người phía bên trái bị tê liệt hoàn toàn, chắc anh đau đớn và khó chịu lắm. Vậy mà tinh thần vẫn giữ vững, vẫn rất ngọt ngào, dịu dàng như lúc còn mạnh khỏe. Anh không hề tỏ vẻ oán hận, chua cay hay than trách gì hết. Những nhân viên, các cô y tá họ rất quý anh. Khi nào có đông y tá và ít bận rộn, họ thường hay vào nói chuyện, tìm hiểu về anh. Người nào cũng ra khỏi phòng với những ưu ái và thiện cảm về anh. Họ thường khen tặng anh với tôi:

- Ông ấy là một người rất lịch sự và đàng hoàng !

- Ông Phú là chồng của cô hả ? Ông ấy rất dễ thương !

- Ông ấy có vẻ rất hiền lành...

- Chồng của cô làm nghề gì ... Ông ấy rất thông minh...

- Ông ta là một bệnh nhân rất tốt...

- Nếu bệnh nhân nào cũng như ông Phú thì tốt cho chúng tôi biết bao nhiêu...

vân vân.. và vân vân.

Dĩ nhiên là tôi nói với họ rằng tôi rất hãnh diện về chồng mình.

Khi tôi nói với họ một chút về anh, nhất là khi tôi vừa mở lời nói rằng anh là một ca sĩ, anh rất khó chịu. Anh nhăn mặt. Anh không muốn bất cứ một người y tá hay bác sĩ nào biết về mình.

Cũng như khi chúng tôi còn cái nhà hàng, anh không muốn tôi dùng cái tên Sĩ Phú để quảng cáo về nhà hàng dưới bất cứ một hình thức nào. Khi có khách hàng đến hỏi về anh, và họ xin phép được gặp để nói dăm ba câu cho thỏa lòng ái mộ, anh nhất định không chịu ra mặt, cứ ở lỳ dưới bếp. Tôi phải khẩn khoản năn nỉ, van nài, lôi kéo, anh mới chịu ra. Từ đó về sau, tôi không nói với ai về anh nữa vì tôi tôn trọng sự riêng tư của anh.

Dù vậy, tiếng đồn anh là một ca sĩ vẫn lan ra nhanh chóng trong khu Oncology này. Có một ông bác sĩ rất tò mò về anh, ông ta ngỏ ý muốn nghe tiếng hát của anh, tôi tặng ông bác sĩ này một CD tiếng Mỹ lẫn Việt chủ đề Trái Tim Hững Hờ của Sĩ Phú. Vài ngày sau gặp lại, ông cho tôi biết:

- Tôi đã nghe CD của ông Phú rồi. Tôi thật ngạc nhiên khi biết có một người Việt Nam hát nhạc Mỹ hay như vậy. Tôi không ngờ, giọng của ông Phú khá trầm ấm và rất đàn ông.

- Ông khen thật lòng chứ ?

- Tôi khen thật lòng. Ông Phú quả thực là một người có tài. Tôi lấy làm tiếc là ông ấy lại bị bệnh nặng như vậy.

Có một ngày trong thời gian này, tôi không nhớ là ngày nào, lúc mười một giờ trưa, tôi trở về nhà hàng cũ để mua rất nhiều thức ăn, nào là phở, bún bò Huế, gỏi cuốn, bì cuốn, cơm tấm, nem nướng đến cho các y tá và các bác sĩ của anh. Họ ăn một cách ngon lành và khen mãi món ăn Việt Nam. Họ chân thành cảm ơn chúng tôi rối rít và nhắc mãi về buổi cơm trưa hôm đó.

Chúng tôi tạo một tình thân với nhân viên của bệnh viện rất dễ dàng. Một phần khác, cũng nhờ họ có vẻ quý tôi vì theo họ nói, rất ít người nhà nào ngủ đêm ở trong bệnh viện để lo cho chồng hay vợ. Họ ngạc nhiên khi thấy tôi luôn luôn có mặt để chăm lo và tranh đấu với căn bệnh cùng anh.

Cứ mỗi tối, khi anh ngủ yên, tôi lặng lẽ đi làm. Anh rất lo cho tôi, anh van lơn tôi nên đi làm ban ngày vài tiếng đồng hồ chứ đừng làm ban đêm, anh lo lắm. Nhưng suốt một ngày rất bận rộn với anh, tôi không thể nào đi được. Cứ mỗi lần định đi, thì có chuyện gì đó xảy đến, phải hoãn lại. Vì thế tôi chọn đi làm ban đêm sau khi anh ngủ. Tôi thường vào sở quá nửa đêm và về đến bệnh viện khoảng 3 hay 4 giờ sáng. Một tuần lễ tôi đi làm chỉ 10 đến 12 tiếng đồng hồ là cùng so với 45 tiếng một tuần trước khi anh bị bệnh. Thời gian này, tôi làm việc một mình trong một cao ốc 12 tầng. Khi tôi vào hay ra khỏi sở, vắng tanh, không một bóng người, tôi cũng hơi lo, nhưng vì cần tiền để trả tiền nhà nên phải đi làm. Tôi ước gì lúc đó chỉ cần có tiền đủ để trả tiền nhà mà thôi thì tôi sẽ không đi làm, tôi sẽ ở nhà lo cho anh.

- Em à, anh không muốn thấy em đi làm ban đêm chút nào. Anh sợ nguy hiểm cho em. Tội em quá đi thôi. Hay là em đi làm buổi chiều rồi tối về chứ đừng làm khuya quá em à !

Nhưng ơn trên thương tôi, đã ban cho tôi sự bình an và một sức mạnh để tôi có thể chống chọi với tất cả để lo cho anh.

Nuôi một người bệnh trong bệnh viện là cả một sự chiến đấu. Rất vất vả và không dễ như người ta tưởng.

Tuy nhiên, tôi không hề than vãn với ai, tôi thấy rất hạnh phúc khi được lo cho anh.

Ngày 27 tháng 4, năm 1999.

Vết thương trên đầu mới hôm qua của anh chưa lành mà họ đã dự định đem anh đi chiếu quang tuyến.

Sáng sớm hôm đó, tôi gặp bác sĩ Ammirati và cho ông biết rằng anh vẫn còn rất đau đớn. Tôi xin ông hoãn việc chiếu quang tuyến buổi sáng và chờ buổi chiều để anh được bớt đau, rồi hãy bắt đầu. Ông bằng lòng.

Suốt ngày hôm đó, anh đỡ đau, anh ăn uống dễ dàng hơn.

Tuy nhiên anh có hai nỗi lo, nỗi lo sợ lớn nhất của anh là sẽ không đi đứng được nữa vì một phần thân thể đã bị tê liệt.

Tôi an ủi anh:

- Anh đừng lo, em biết là phương pháp vật lý trị liệu bây giờ rất hiệâu nghiệm. Sau khi chiếu điện xong, họ sẽ cho anh vào viện phục hồi. Người ta sẽ giúp anh đi lại được. Em bảo đảm với anh là anh sẽ đi được trong vòng một tháng.

Anh có vẻ không tin tôi, cho rằng tôi chỉ nói suông để an ủi anh thôi.

Nỗi lo sợ thứ hai là anh không tiêu hóa được.

- Em à, em nói với các cô y tá giùm anh, là anh muốn xin thuốc xổ, anh cần đi. Từ ngày dời qua bệnh viện này đến giờ, anh chưa đi được. Bụng anh cứng lại, khó chịu lắm, anh không muốn ăn uống gì nữa.

Có một bác sĩ nội trú rất trẻ người Việt Nam tôi xin gọi là Nguyễn giúp anh trong giai đoạn này. Vị bác sĩ này thường vào phòng để hỏi thăm anh và trả lời những thắc mắc của chúng tôi. Khi anh đề cập tới vấn đề táo bón thì được bác sĩ ấy hứa là sẽ lo cho anh. Sau đó theo toa của bác sĩ Nguyễn, các cô y tá cho anh uống hai loại thuốc xổ khác nhau, nhưng anh cũng vẫn không đi được.

Tôi xin loại khác, nhắc nhở ba bốn lần, sau cùng, họ đem lại loại khác, nhưng vẫn không hiệu lực. Bụng anh càng ngày càng cứng và càng khó chịu. Chúng tôi kêu gọi các cô y tá phải chú ý, vì vấn đề này kéo dài gần một tuần nay rồi.

Tôi yêu cầu các cô làm mọi cách để giúp cho anh đi. Họ hẹn lần hẹn lượt...Người này ngạc nhiên hỏi người kia, tưởng là người nọ đã giúp anh xong rồi?

Và sau cùng, anh nói đầu anh nóng bừng lên, nhức nhối khó chịu. Sau đó anh bị động kinh một lần nữa, nhưng lần này tương đối nhẹ hơn lần đầu tiên rất nhiều.

Tôi gọi y tá liền lập tức, nhưng thường họ không làm gì được trong thời gian đó vì động kinh xảy ra rất ngắn, khi họ vào thì anh trở lại bình thường rồi.

Khi bác sĩ Nguyễn vào thăm, anh nói:

- Chú mới vừa bị động kinh một lần nữa, có thể là tại vì những đau đớn vì cục bướu và áp lực trên óc gây ra vì đã lâu không tiêu hóa được, người chú rất khó chịu, chú bị nhức đầu lâm râm mấy bữa nay, Nguyễn có thể giúp chú vấn đề tiêu hóa được không ?

Bác sĩ Nguyễn cho rằng, anh bị động kinh là tại vì cục bướu trên đầu và sự biến chuyển của nó chứ không phải tại vì chứng táo bón. Sau đó, họ lại cho anh uống thêm thuốc Dylantin để giúp giảm động kinh và Decadron để giảm sưng bướu. Một lần nữa, họ...quên bẳng đi vụ tiêu hóa.

Dù Bác Sĩ Nguyễn cho biết những gì anh Sĩ Phú vừa nói không phải là nguyên nhân gây ra cơn động kinh, nhưng tôi nghĩ, ít ra những gì anh nói là nguyên nhân gián tiếp. Bằng chứng là, khi tôi nhịn ăn suốt ngày, tôi bị nhức đầu, khi tôi không tiêu hóa được, tôi cũng bị nhức đầu, thậm chí, khi đầu tôi dơ chưa kịp gội như mấy ngày nay, tôi cũng bị nhức đầu vô cùng...Ðừng nói chi anh đã không đi đại tiện được đã quá lâu mà lại bị bướu óc nặng nữa...ngần ấy, cũng đủ gây ra cơn động kinh.

Thuốc tây vào cơ thể rất nóng, gây ra táo bón. Anh bị vấn đề nan giải này hơn một tuần rồi mà không ai giúp gì anh được. Tôi và anh bắt đầu nóng ruột.

Gần bốn giờ chiều, người ta đem anh vào một phòng chiếu quang tuyến cho bệnh nhân ung thư. Tôi hoàn toàn không biết gì hết về bên trong phòng này. Nhưng đây là những gì anh kể lại cho tôi nghe buổi chiều khi trở về:

- Người ta để anh nằm trên một cái bục gỗ rất cứng, không có gối để đỡ đầu hay kê dưới cổ cho bớt đau nhức. Hai con ốc trên đầu gắn chặt vào hai bộ phận nào đó của máy chiếu điện. Anh không dám chắc như vậy vì anh không thấy được, đây chỉ là lời đoán của anh mà thôi. Và vì vậy anh không cục cựa gì được, đầu óc anh bị căng thẳng vì rất khó chịu, thế nằm không thoải mái, họ bắt anh nằm ở vị thế như vậy hơn 45 phút đồng hồ, không được nhúc nhích, với những tiếng động ầm ầm ở chung quanh rất nhức nhối.

Anh rùng mình kể tiếp:

- Ðấy là những giờ phút khủng khiếp. Anh rất khổ sở vì nằm trong một tư thế rất ư là khó chịu như vậy trong một thời gian quá lâu. Ðầu anh chạm vào bục gỗ cứng ngắc. Không cục cựa được. Ðầu óc anh hoa lên, anh bị nhức nhối, anh buồn nôn, muốn thét lên bảo họ ngừng lại. Ðã vậy, tiếng ồn ào của cái máy làm cho anh khó nói lắm...rồi...đang giữa chừng...họ lại thay đổi nhân viên. Anh có cho họ biết là anh rất khó chịu, nhưng họ không làm gì hết. Người mới đến là một cô Việt Nam, có vẻ như không biết cái gì đang xảy ra cho anh. Họ vẫn tiếp tục như là hành hạ anh vậy. They tortured me !

Tôi kêu trời:

- Trời ơi, nghe anh nói mà em đau lòng muốn khóc. Tại sao anh không lên tiếng lúc họ chưa bắt đầu, lúc mà thế nằm không thoải mái. Sao anh không xin một cái gối ...

- Anh đâu có biết là vừa nằm như vậy là bị dính chặt liền, rất khó để mà biết họ sẽ làm gì vì họ không có nói gì hết. Công việc thì họ phải làm thôi.

- Thông thường, trước khi làm một công việc gì cho bệnh nhân và nhất là lần đầu tiên, người ta thường cho mình biết rất rõ những gì họ sẽ làm, và họ sẽ cho mình biết cái gì sẽ xảy ra sau đó. Họ có làm như vậy cho anh không ?

- Nếu được như vậy thì nói gì, anh đâu than thở làm chi.

- Anh ơi, anh quá hiền nên đã bị người ta ăn hiếp rồi ! Tại sao những chuyện như vậy luôn luôn xảy ra với những người như anh mà không bao giờ xảy ra cho em cả. Ði đâu và làm gì, em luôn luôn hỏi thật kỹ, em không bỏ sót một chi tiết nào cả. Em bắt họ đi từng bước một với em, cho em biết trước họ sẽ làm gì, thì làm sao mà những việc như vậy có thể xảy ra được. Anh à, anh hiền quá, có lẽ là anh ít nói hay là vì bệnh hoạn làm anh mất đi sự tinh tường trong anh, cứ để mặc, giao cho người ta làm gì thì làm, vì anh nghĩ rằng người ta là những người chuyên nghiệp, người ta biết rành việc của người ta nên anh giao phó thân anh cho họ. Anh à, em rất tiếc phải nói với anh là, đừng bao giờ nghĩ như vậy nữa. Người Mỹ hay ai cũng vậy, thường gây ra nhiều lỗi lầm. Anh có thân, thì phải ráng lo, đừng bao giờ trông chờ vào bàn tay của họ một trăm phần trăm. Nghe anh nói như vậy, em chắc chắn là có cái gì đó sai rồi, em không nghĩ tất cả mọi người bệnh nhân phải trải qua giờ phút khủng khiếp kinh hoàng như anh đâu. Ngày mai em sẽ hỏi ông Ammirati cho ra lẽ.

Ngày 28 tháng 4, năm 1999

- Thưa bác sĩ Ammirati, xin ông cho chúng tôi được biết những gì chồng tôi kể là đúng hay sai, tại sao sự việc như vậy lại có thể xảy ra được ?

Vị bác sĩ có vẻ xúc động:

- Tôi rất tiếc sự việc đó đã xảy ra. Ông Phú không phải chịu đựng như vậy. Ông Phú có thể xin một cái gối lót, và không phải chịu nằm như vậy. Nhân viên phòng chiếu điện đã không nên thừa hành công việc một cách bất cẩn như vậy. Tôi không biết cái gì đã xảy ra, tôi phải hỏi lại nhân viên trong phòng quang tuyến.

Anh Sĩ Phú nói với bác sĩ Ammirati:

- Chúng tôi cảm ơn ông, sở dĩ chúng tôi phải hỏi và than phiền cùng ông là vì chúng tôi muốn biết có phải đó là lối họ phải làm việc như vậy không. Nếu ông nói là không, thì chúng tôi hy vọng là việc làm tắc trách đó phải được sửa lại để những bệnh nhân sau này sẽ không phải chịu đựng như tôi.

Vị bác sĩ ra khỏi phòng sau khi ông hứa sẽ sửa đổi vấn đề này.

Gần đến nửa khuya, cô y tá đem một bình nước trắng trong trông giống như một chai nước biển, cô bảo đó là chất hóa học để trị ung thư (Chemotherapy).

Một vị bác sĩ đã cho chúng tôi biết trước rằng, sau cách chữa quang tuyến là đến lượt Chemo. Vì Chemo sẽ vào trong máu để tấn công và tiêu diệt các tế bào bị bệnh, nhằm chống lại sự lan truyền của ung thư. Nhất là sau khi chiếu radiation, thường nếu còn xót chỗ nào quanh vết thương, thì Chemo sẽ tiêu diệt những tế bào sót lại đó cho dứt ung thư. Nhưng trong trường hợp của anh Sĩ Phú, chất Chemo, theo bác sĩ đã nói, không lên được đến trên đầu. Việc cho Chemo vào là để chữa trị bệnh ung thư phổi của anh mà thôi chứ hoàn toàn không giúp gì cho bướu óc, và vì thế cho nên, người ta đã trị bướu óc của anh bằng cách chiếu quang tuyến cực mạnh để đốt nó.

Cách cho Chemo vào người của bệnh nhân không khác gì cho vô nước biển, cũng vào cơ thể người qua mạch máu. Anh nằm yên nhìn chúng tôi. Tôi hỏi anh có thấy gì khác lạ trong người không, anh nhìn tôi trả lời:

- Không, anh không cảm thấy gì khác lạ cả, em à !

Chemo vào thật chậm, gần 4 tiếng đồng hồ mới xong một chai.

Ðấy là ngày đầu tiên, và lần đầu tiên trong đời anh, cơ thể anh biết thế nào là chất Chemo.

Cơ thể của anh vẫn bình thuờng những ngày sau đó. Tôi có vào các phòng tham vấn nói chuyện với nhiều bác sĩ, để tìm hiểu về ung thư phổi và bướu óc. Tôi học hỏi được một mớ kiến thức về ung thư.

Sau cùng, một bác sĩ đã dặn dò tôi:

- Trong những ngày sắp đến, ông ấy sẽ rất yếu, yếu như một cọng rau, rất dễ bị nhiễm trùng và rất dễ nhiễm bệnh vì chemo sẽ làm cho cơ thể mất dần đi hồng huyết cầu. Hệ thống miễn nhiễm sẽ bị yếu đi. Sự ăn uống phải rất cẩn thận, rau cỏ phải rửa thật sạch. Ông ấy phải ăn thật nhiều chất bổ và tuyệt đối tránh gần người bệnh cảm cúm vì ông ấy rất dễ bị lây bệnh.

Anh vẫn chưa đại tiện được, mà nhân viên bệnh viện, luôn cả bác sĩ của anh đã quên lửng vụ đó.

Ngày hôm sau, từ khu Oncology ở lầu năm, họ dời anh về khu Acute Rehabilitation ở lầu 3. Tôi tạm dịch khu này là Khu Phục Hồi.

Trước khi đi, khi được nhắc nhở, bác sĩ Nguyễn có hứa là khi xuống phòng dưới đó, người ta sẽ lo cho anh vụ đi tiêu hóa.

- Chú yên tâm, ở đó người ta sẽ lo cho chú kỹ lắm. Chú cứ cho họ biết, họ sẽ giúp chú. Chú đừng lo gì cả. Có cần gì thì chú cứ cho Nguyễn biết.

Nhìn những gì họ đã làm mấy ngày qua, tôi rất lo mặc dù người bác sĩ trẻ khuyên chúng tôi đừng lo lắng.

Ðã chín ngày rồi mà anh vẫn chưa đi đại tiện được. Anh nằm liệt một chỗ, họ cứ tống thuốc vào, nhưng không giúp gì hơn. Kêu gọi và than phiền đã rất nhiều, mà anh vẫn không đi được, tôi không biết phải đổ lỗi cho ai. Lại thêm một trận động kinh nữa, cũng chẳng nhằm nhò gì, anh vẫn chưa được giúp đỡ để đi tiêu hóa.

Thật là một chuyện khó tin và không thể tưởng tượng được.

Cứ mỗi một lần động kinh, tôi thấy anh yếu đi, gương mặt anh hốt hoảng. Anh rất sợ bị động kinh. Tôi nhìn anh, bất lực. Tôi nghe thương xót và tê tái dâng tràn trong lòng.

Tôi đã định không viết lên câu chuyện tiêu hóa'' vì biết nó chẳng thơm tho tí nào. Nhưng nghĩ lại, tôi không thể nào không viết lên câu chuyện này. Tôi không thể nào viết rằng mọi chuyện êm đẹp mà thật ra nó không mấy êm đẹp. Tôi không thể nào che đậy sự thực được. Tôi hoàn toàn không có ý bôi nhọ một cơ quan nào, vì những trường hợp như vậy không chỉ xảy ra ở một cơ quan, mà nó nhan nhản ở khắp nơi, có thể bất cứ đâu, và bất cứ lúc nào. Tôi chỉ muốn nói lên những gì anh đã trải qua và chịu đựng, vì nó là một phần đời của anh. Một phần đời rất mỏng manh, rất ngắn ngủi nhưng quý giá vô cùng.

Trước        Mục Lục       Tiếp