1

About Sĩ Phú

On The News

Album Collections

Memories

Special Events

Chiều Sĩ Phú

Đêm Ra Mắt CD

Những Gì Anh Hát

Thư Độc Giả

Hồi Ký: Biết Bao Giờ Nguôi

Contact Us

 

 

Trước        Mục Lục       Tiếp

Chương Hai Mươi Hai
Về Mái Nhà Xưa

Ngày 11 tháng 5 năm 1999.

Anh xuất viện.

Trước đó tôi đã lo chuẩn bị rất chu đáo cho sự trở về của anh. Một tay tôi dọn dẹp lại nhà cửa, dẹp hết những đồ đạc ở phòng gia đình, tôi khuân vác, lôi kéo chúng, dời chúng lên trên các phòng trống ở trên lầu để nhường chỗ làm phòng ngủ cho anh vì nhà tôi không có phòng ngủ ở dưới lầu và vì chân anh yếu, nên tôi buộc lòng phải để anh trong phòng gia đình ở lầu dưới. Tôi hút bụi thật sạch căn phòng dành cho anh rồi chạy lại một tiệm bán giường ngủ gần nhà mà tôi có dịp mua sắm một hai lần trước đó, mua cho anh một cái giường mới với nệm mới rất cứng. Nhờ quen biết, tôi nhờ họ chở đến nhà ngay sau đó. Rồi tôi chạy ra khu thương mại mua những tấm trải giường mới, gối mới, chăn mới. Tôi cũng không quên mua cho anh một mớ vớ trắng thật dầy để mang trong nhà và quần áo lót.

Tôi để một cái kệ mới bên tay trái của giường ngủ và một cái radio với CD cassette trên kệ để anh tùy nghi sử dụng. Remote control của tất cả máy móc điện tử tôi để cùng một chỗ.

Tôi dọn thêm một cái bàn thấp gần giường bên tay phải để đựng thuốc, sách vở và báo chí. Tôi mua một bình hoa để cắm hoa tươi hái từ sau vườn. May mắn thay, các nụ hồng vẫn còn sống và rất đẹp. Trước khi quen anh, và cả đời tôi, chưa từng bao giờ tôi hái hoa từ vườn vào để chưng trong nhà. Chính tôi cũng không hiểu tại sao nữa. Tôi cứ để cho hoa nở rồi tàn trên cây, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ hái. Anh đã từng nói:

- Em lạ quá, em là người duy nhất mà anh biết là không bao giờ hái hoa ngoài vườn để cắm trong nhà.

Ðiện thoại tôi làm hai đường giây, một cho Internet, một cho nhà xài. Tôi mua một cái điện thoại di động để anh bỏ túi và lúc nào cũng vặn lên với đầy đủ pin hoạt động.

Buổi chiều, xong công việc, tôi vào bệnh viện đón anh.

Gần sáu giờ chiều họ cho anh ngồi trên xe lăn, đẩy anh ra ngoài bãi đậu xe. Chúng tôi tạm biệt tất cả các cô y tá và chia tay họ trong niềm thương mến và sự biết ơn sâu xa.

Trước khi về nhà, theo lời chỉ dẫn của cô chuyên viên vật lý trị liệu, tôi chở anh vào một tiệm giầy để mua một đôi giầy đặc biệt. Tôi để anh nằm ngoài xe, chạy vào tiệm giầy. May mắn lắm, tôi tìm được đúng đôi giầy cô tả và tìm được đúng số 10 ruỡi cho anh. Tôi mừng rỡ trả tiền và lái xe đưa anh về nhà.

Anh đã về, sau gần một tháng trời trong bệnh viện. Vết thương trên đầu anh hoàn toàn lành hẳn. Hai con ốc đã được bác sĩ lấy ra tự lúc nào.

Anh về bằng cây nạng bốn chân mà bệnh viện đã tặng cho. Anh chầm chậm đi vào, tôi đi sau dìu anh để phòng hờ anh bị ngã. Anh nhìn mọi vật chung quanh. Gương mặt anh buồn vui lẫn lộn. Anh đầy vẻ xúc động khi nhìn lại mái nhà yêu dấu của chúng tôi.

Anh bùi ngùi nói với tôi:

- Anh không ngờ anh còn có thể đi được để nhìn cảnh vật yêu dấu này !

Rồi anh nhìn cái giường mới, ngạc nhiên hỏi tôi :

- Em mua cái giường mới này hở ?

- Dạ, em mới vừa mua ngày hôm qua.

Anh nhăn mặt:

- Em mua làm chi cho phí tiền. Anh nằm mấy cái giường cũ mình có ở trên lầu được rồi !

- Nhưng em muốn tất cả mọi đồ xài cho anh đều mới hết để bắt đầu một cuộc sống mới cho anh. Xin anh đừng tiếc !

Tôi xếp cây gậy của anh lại để qua một bên. Nhẹ nhàng đặt anh vào giường, cởi giầy cho anh.

Anh buồn bã nói:

- Anh không muốn em cực vì anh, em bị oan lắm, tự nhiên lại mang cực vào thân. Anh muốn trở về San Jose em à. Em lo cho anh về trên ấy đi.

Và suốt một ngày sau đó, anh cứ nhất quyết đòi về San Jose.

- Nhưng mà anh về trên ấy thì ai lo cho anh ? Anh còn ai để lo cho anh đâu ? Sao anh không muốn ở lại đây để em giúp cho anh ? Em không ngại gì hết, em không than phiền gì hết. Anh cứ ở lại đây để em được chăm sóc cho anh. Chẳng những anh cần một người săn sóc hết lòng mà còn cần một người yểm trợ tinh thần anh nữa, cái đó mới thật là quan trọng đấy anh ạ. Từ rày về sau, anh phải chiến đấu rất nhiều, về thể xác lẫn tinh thần.

Rồi tôi đau xót thở dài than thở:

- Ðến giờ phút này mà anh còn muốn trở về cái căn phòng chật chội buồn bã ấy mà làm gì, cũng vì nó mà anh mang bệnh, anh không biết sao ? Em biết là anh rất muốn được em trông nom lo lắng, nhưng anh bị lương tâm cắn rứt mà đòi về. Xin anh đừng lo lắng gì cả?

Anh ngắt lời tôi:

- Anh không có lo lắng gì cả, anh chỉ không muốn em cực vì anh mà thôi ! Em còn trẻ, còn con em nữa?

Ðến phiên tôi ngắt lời anh:

- Chúng ta đều có số mệnh hết. Em tin như vậy. Bề trên đã xui khiến cho chúng mình gặp nhau và sai bảo em lo cho anh. Vậy thì anh cứ bình thản mà dưỡng bệnh, để tất cả mọi chuyện khác lại em lo.

Anh cảm động tột cùng, anh lặng yên không nói một lời. Ðối với tôi, không nói lúc ấy tức nhiên là chấp nhận.

Anh đã chấp nhận ở lại theo lời mời của tôi.

Nhà riêng thì dĩ nhiên là hạnh phúc lắm rồi, nhưng không còn y tá và những sự giúp đỡ cấp cứu bất cứ lúc nào như trong bệnh viện làm tôi và anh cùng có một ý nghĩ như nhau.

Chúng tôi lo sợ cho ngày mai đầy những bất trắc.

Ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi, anh hồi phục rất nhanh, anh đi đứng càng ngày càng vững mạnh.

Tuần lễ đầu tiên, tôi ngủ ở trên cái ghế sa lông ở phòng khách để xem chừng anh ban đêm. Anh van nài tôi hãy trở về phòng mà ngủ, nhưng tôi nhất định không chịu. Tôi sợ anh té nên muốn có mặt với anh liền lập tức khi anh cần tôi. Phòng ngủ của tôi ở quá xa và rất khuất, phải đi lên lầu và qua một hành lang dài. Tôi sợ tôi ngủ say mà quên anh hay sẽ không nghe được tiếng anh gọi khi anh cần gì.

Nhưng đến tuần thứ hai, tôi bị đau lưng trầm trọng, sợ sẽ không lo cho anh được nữa, buộc lòng tôi phải trở về phòng ngủ của tôi. Suốt ngày đêm, lúc nào tôi cũng mở cửa thật rộng, không dám đóng vì tôi muốn nghe tiếng gọi của anh khi anh cần. Tối đến, tôi để đèn vừa đủ để anh dễ ngủ và nhìn thấy lối đi trong nhà.

Sau này tôi tiếc rằng đã quên không mua một cái máy xinh xắn mà người mẹ dùng để theo dõi em bé khi ở cách xa con mà vẫn có thể nghe được tất cả những cử động của con.

Ngày 13 tháng 5 năm 1999.

Hai ngày sau khi xuất viện, tôi đưa anh trở lại bệnh viện để viếng bác sĩ.

Ðây cũng là sự mở đầu của một loạt những lần khám bệnh tại bệnh viện UCI cho đến ngày định mệnh 19 tháng 7 năm 2000.

Bác sĩ Thomas Spillane chuyên khoa ung thư và bà bác sĩ Nilam Ramsinghani chuyên khoa quang tuyến ung thư và cũng là giáo sư phân khoa của đại học UCI. Hai vị bác sĩ này đã thường trực theo dõi bệnh trạng của anh trong suốt thời gian này.

Tôi gọi điện thoại cho Minh Phượng biết anh đã trở về nhà. Cô và Việt Dzũng mừng rỡ chúc mừng định báo tin trên đài Radio Bolsa nhưng anh và tôi cản lại. Anh nói:

- Anh chỉ mới về nhà không thôi, chứ đâu anh có hết bệnh? Ung thư vẫn còn đó và anh vẫn còn bệnh nặng, các em không nên hồ hởi mà báo tin.

Ngày 14 tháng 5 năm 1999.

Lần đầu tiên, một người chuyên viên vật lý trị liệu đến nhà chúng tôi để giúp anh và theo dõi tiến trình tập đi đứng của anh. Ông ta rất ngạc nhiên và thán phục sự phục hồi quá nhanh chóng như vậy. Mới chỉ một tháng, từ một người bán thân bất toại, mà bây giờ anh lại đi đứng rất vững chắc, gần như bình thường, ông ta hết lời khen tặng và vui mừng vì kết quả ngoài sự mong chờ của tất cả mọi người.

Ngày 20 tháng 5 năm 1999.

Tôi chở anh vào UCI để vào Chemo lần thứ hai.

Mỗi lần vào như vậy, là họ phải thử máu anh trước. Sau khi thử máu xong tôi đưa anh về phòng đợi để chờ vô Chemo. Tôi nhìn chung quanh chúng tôi, những bệnh nhân ung thư ngồi la liệt. Lúc bấy giờ tôi mới biết rằng, không phải chỉ người lớn tuổi mới bị bệnh ung thư mà luôn cả những người trẻ tuổi. Ung thư không chừa một ai hết.

Một số những bệnh nhân là người Việt Nam. Chúng tôi có dịp làm quen và nghe được những lời họ tâm sự. Tôi lại càng mở to mắt ra để mà học hỏi. Ða số những người bị ung thư gan cho tôi biết họ chưa từng uống một ly rượu nào trong đời. Nhiều người bị ung thư phổi thì đã bỏ thuốc từ đời nào, có người chưa từng hút thuốc cũng bị ung thư phổi. Lại có những người rất trẻ mà bị ung thư máu và đang ở đến giai đoạn cuối cùng, họ ốm tong teo, đi không muốn nổi. Có một ông còn khá trẻ bị chứng ung thư ruột và bao tử. Ông cho tôi biết là ông ăn uống rất điều độ, kỹ lưỡng trong suốt cuộc đời ông và chưa từng uống rượu.

Chúng tôi có dịp nói chuyện với một người phụ nữ tên Hoa, từ Việt Nam sang Mỹ được vài năm. Chị Hoa là một người đàn bà chất phác, hiền hậu. Chị đã bị ung thư ngực vài năm trước đó, nhưng được chữa khỏi. Chị tâm tình với chúng tôi về những ngày tháng vào bệnh viện, vô Chemo, rồi rụng tóc, và những ảnh hưởng tâm lý đã tác dụng lên đời sống hàng ngày như thế nào.

Ngày tôi gặp chị và được bác sĩ cho biết là chị không còn ung thư nữa, chị rất đỗi vui mừng, chúng tôi mừng rỡ chúc mừng chị. Sau đó chúng tôi có liên lạc với chị một hai lần để hỗ trợ tinh thần cho nhau. Về sau vì quá bận rộn, tôi không còn liên lạc với chị nữa và số điện thoại của chị, tôi cất quá kỹ, không biết nó ở đâu để mà gọi chị thăm hỏi nữa.

Mỗi lần vô Chemo tốn khoảng 3 đến 4 tiếng đồng hồ. Tôi sợ anh đói nên chạy xuống cafeteria mua thức ăn cho anh đỡ lòng. Chúng tôi đến phòng Infusion để vô Chemo thường đến nỗi các nhân viên và y tá ở đây biết mặt chúng tôi và họ nhớ luôn cả tên tôi.

Buổi tối hôm ấy, chị Trần Thị Diễm Phúc chủ nhiệm tuần báo Diễm và cũng là người luôn luôn tổ chức những show hát cho các nghệ sĩ cho bất cứ dịp nào, đã gọi điện thoại cho tôi để xin phép được cùng các anh chị em nghệ sĩ tổ chức một đêm ca nhạc tương trợ cho anh.

Tôi rất xúc động và nói với chị:

- Chị ơi em rất cảm ơn chị và các anh chị em nghệ sĩ có lòng, nhưng biết tính anh Phú, em không nghĩ anh ấy sẽ chấp nhận đâu. Tuy nhiên, em sẽ nói lại cho anh biết ý của chị và tùy anh ấy quyết định.

Chị cho biết trong khoảng thời gian đó, nhạc sĩ Lam Phương cũng đã bị bệnh tai biến mạch máu não rất nặng, và ông đã được các anh chị em nghệ sĩ và trung tâm băng nhạc Thúy Nga đứng ra bảo trợ tổ chức một show nhạc cho ông rất là thành công về cả hai mặt tinh thần và tài chính. Nay họ muốn làm một đêm hát tương tự như vậy cho Sĩ Phú.

Tôi nói lại với anh Sĩ Phú về lời đề nghị của chị Diễm Phúc, anh bảo với tôi:

- Em nói với chị ấy là anh rất cảm ơn chị ấy và tất cả các anh chị em văn nghệ sĩ. Nhưng anh không muốn anh chị em văn nghệ sĩ làm bất cứ show nhạc tương trợ nào cho anh. Anh Lam Phương là một tên tuổi lớn của làng âm nhạc VN. Anh ấy đã đóng góp rất nhiều cho nền âm nhạc VN. Còn anh thì là ca sĩ rất ít ca hát và ít xuất hiện. Làm sao mà anh có thể so sánh với anh Lam Phương cho được ? Anh ấy rất là xứng đáng. Họ làm như vậy cho anh ấy rất là đúng?

Chemo đã tác dụng đến cơ thể anh lần lần ..

Anh mệt mỏi, phải ngừng nói để thở, rồi tiếp tục:

- Em nói với chị Phúc, khi nào anh có một tác phẩm để trình làng, anh sẽ tìm chị Phúc để nhờ chị lo cho anh một đêm ra mắt, vì lúc đó, anh có một tác phẩm để bán và anh cần người mua. Chứ bây giờ thì anh không thể nào đưa tay nhận tiền của ai cả khi mà anh không có cái gì để cống hiến cho đời. Anh không có nhu cầu gì hết, anh không cần tiền, bệnh thì đã có insurance lo cho rồi.

- Nhưng sẽ không ai nghĩ gì hết đâu anh ạ ?

- Nhưng anh không muốn làm đêm tương trợ. Em nói lại chị Phúc, anh rất cảm ơn chị và các anh chị em văn nghệ sĩ đã nghĩ đến anh trong giờ phút này. Em à, anh muốn được chết trong vinh dự và anh muốn giữ tiếng cho anh và cho Không Quân của anh.

Chiều tối, tôi liên lạc chị Diễm Phúc để nói lại lời cảm ơn của anh và từ chối đêm nhạc tương trợ cho Sĩ Phú và hẹn gặp chị khi anh ra mắt CD mới, nếu có.

Mười hai ngày sau khi về nhà, tóc của anh bắt đầu bị rụng rất nhiều. Một đêm anh ngủ dậy, chiếc gối trắng phủ đầy tóc đen nhánh của anh. Tóc anh rụng rất nhiều, ở khắp cả mọi nơi. Chung quanh giường ngủ của anh, chỗ nào cũng có tóc. Bây giờ tôi rất tiếc, tiếc vô vàn, ngày ấy tôi đã không để dành một mớ tóc của anh để làm kỷ niệm. Vì thế sau này, khi anh đã ra đi, tôi lục lọi tìm kiếm được 3 cọng tóc còn sót lại trên chăn gối của anh.

Những cọng tóc này là tóc non mọc lại sau này. Tôi đã gói ghém giữ gìn 3 sợi tóc này rất cẩn thận đến ngày hôm nay.

Ngày 23 tháng 5, 1999.

Anh cạo nốt phần tóc còn lại.

Ðầu anh bị trọc bóng lưỡng rất tròn trịa, chứ không dẹp như dân Á Châu vốn luôn bị mang tiếng là Fish head, đầu dẹp như cá. Tôi không thấy anh xấu đi chút nào cả mà hình như anh hợp với đầu trọc nữa là khác. Tôi nhìn anh giống như một vị hòa thượng. Tôi chở anh đi Target để mua cho anh một cái nón. Từ đó về sau, anh hay đội nón khi đi ra ngoài, cái nón lúc nào cũng bên cạnh anh.

Tôi đùa với anh:

- Anh Sĩ Phú bây giờ là Trọc Phú rồi đó !

Nhưng anh không thích câu đùa của tôi chút nào:

- Em à, trọc phú không có tốt đâu nhé ! Ðừng nói bậy !

Tôi cười xin lỗi anh:

- Em đâu có ý nói anh là trọc phú đâu, em chơi chữ thôi mà !

Rồi các ngày sau đó, tôi chở anh đi mua một mái tóc giả để khi cần thì mang vào. Tôi và anh tốn hết 3 tiếng đồng hồ trong một tiệm bán tóc giả ở thành phố Anaheim để chọn mua một mái tóc giả cho anh. Chúng tôi chọn lựa thật kỹ. Sau cùng thì chúng tôi tìm được một mái tóc giả khá đẹp và rất giống thật. Anh vội mua ngay. Khi nào có dịp cần, anh hay đội mái tóc giả này vào và rất ít người nhận biết nó là giả vì từ ngày anh thọ bệnh cho đến ngày anh rụng hết tóc, ít có người trông thấy anh.

Ngày 29 tháng 5 năm 1999.

Anh hoàn bình phục. Anh đi đứng rất vững chãi. Anh xếp cây gậy lại cất vào một nơi và nói với tôi:

- Anh cảm thấy rất khỏe trong người. Có đôi lúc, anh quên đi là anh đang bị bệnh. Anh cứ nghĩ là anh bình thường như mọi người.

Tôi bắt đầu đi chợ mua thật nhiều thực phẩm để nấu ăn cho anh. Ngày xưa tủ lạnh của tôi lúc nào cũng trống rỗng, nhưng từ ngày có anh về, lúc nào tủ lạnh cũng đầy nhóc thức ăn và rau cải đến nỗi tôi không còn nhét được một món gì vào nữa cả. Tôi nhìn tủ lạnh đầy ắp những thức ăn mà phát ngán.

Mỗi ngày tôi đều nấu ăn cho anh. Tôi mua những món ăn bổ dưỡng và chọn lọc. Nhà tôi lúc nào cũng có một nồi phở, cả một ngăn tủ đầy những bông cải xanh, cải bẹ xanh, cải làn, cải ngọt, rau tươi húng quế đủ loại, trứng, thịt, tôm, gà quay, gà nấu xì dầu và cá tươi. Tôi nấu phở Bắc khá ngon. Anh rất mê món phở này. Anh dùng điểm tâm bằng một tô phở mỗi ngày, lâu lâu tôi thay bằng một tô hủ tíu tôm cua thập cẩm, hay ba trứng gà ốp la với bánh mì nướng trét bơ.

Suốt một đời, tôi ít có bao giờ nấu ăn. Ngày chưa quen anh, tôi nấu ăn rất giản tiện, một tuần nấu một lần, và để dành ăn suốt tuần.

Ngày xưa, tôi cho rằng nấu ăn là một việc phí phạm thì giờ. Tôi không bao giờ xem việc nấu ăn và ăn uống là quan trọng cho đời sống. Thì giờ của tôi rất là quý báu. Bỏ ra một, hai tiếng đồng hồ một ngày để nấu ăn là quá phí. Nấu ăn với tôi, chỉ là công việc của các bà nội trợ không đi làm việc, suốt một đời lấy việc bếp núc làm niềm vui.

Nhưng từ ngày anh về nhà đến giờ, dần dần tôi thay đổi lối nhìn của tôi về vai trò của người đàn bà nội trợ.

Khi tôi nấu ăn cho anh, anh rất vui mừng và sung sướng ra mặt mặc dù anh nấu ăn rất giỏi và ngon hơn tôi gấp bội. Thì ra, người đàn ông luôn luôn cảm thấy sung sướng khi có bàn tay dịu dàng của một người đàn bà săn sóc họ.

Họ không cần một người chuyên gia kỹ thuật như tôi để chỉ nói về chuyện kỹ thuật khi họ đã mệt nhọc suốt ngày. Họ cần một người đàn bà, người nội trợ tốt để săn sóc miếng ăn, lo cho họ manh quần tấm áo, săn sóc họ, thương yêu họ khi họ về đến nhà. Ðời sống lứa đôi cũng nhờ thế mà ấm cúng hơn, hạnh phúc hơn.

Ðối với Sĩ Phú, anh luôn luôn mơ ước được một mái ấm gia đình, một cái bếp nho nhỏ lúc nào cũng thơm phức mùi gạo dẻo.

Thì giờ đây, anh tạm yên, tạm toại nguyện với ước mơ rất bình thường đó. Nhưng rất tiếc, anh lại mang một căn bệnh ngặt nghèo đúng vào lúc anh vừa tìm được một mái ấm ân tình.

Ðôi khi tôi thấy anh ngồi trầm ngâm suy nghĩ, nét mặt rất xa vắng và rất cô đơn, tôi cảm thấy yêu thương và tội nghiệp anh vô cùng. Lúc đó, ước gì tôi làm được tất cả những gì tôi có thể làm để giúp anh, để đem đến một niềm vui nho nhỏ nào đó cho ấm lòng anh. Anh ngồi trên giường, tôi quỳ xuống bên anh, ngã đầu tôi vào cạnh giường, tôi ôm chân anh, nghẹn ngào cảm thấy thật bất lực trước hoàn cảnh, trước căn bệnh tàn bạo đang cấu xé đời anh. Tôi trách trời cao sao quá bất công, một người đàn ông hiền lành, trung hậu như anh mà lại vướng một căn bệnh hiểm nghèo. Tôi đã van xin ơn trên, cho tôi lãnh lấy cái nghiệp này để cho anh được sống, vì anh phải sống để tô điểm cho cuộc đời.

Tôi nhất quyết phải làm một cái gì đó cho anh, để đời sống của anh trong những ngày còn lại được thêm nhiều ý nghĩa hơn, giá trị hơn.

Tôi gọi điện thoại cho một vị Mục Sư Tin Lành mà tôi rất quý mến. Tôi thường hay theo dõi những bài nói rất giá trị của ông trong một chương trình Phúc Âm trên các đài truyền thanh trong vùng Little Saigon. Một vài năm trước đó tôi đã từng gặp ông trong một buổi lễ Giáng Sinh tại nhà thờ của ông, nhưng đã lâu, tôi không gặp lại ông. Khi tôi tự giới thiệu, vị Mục Sư này có vẻ vẫn còn nhớ tôi. Tôi nói với vị Mục Sư:

- Thưa Mục Sư, trong gia đình con có một người thân đang bị bệnh nặng. Con tha thiết muốn nhờ Mục Sư vui lòng dành cho chúng con chút ít thì giờ quý báu để gặp riêng người thân này của con, để nói chuyện, an ủi anh, và hướng dẫn phần tâm linh cho anh.

Vị Mục Sư từ chối:

- Tôi rất tiếc không thể gặp riêng người đó được. Nếu cô có cần gì, thì cứ đem người ấy đến nhà thờ mỗi Chủ Nhật. Tôi sẽ sẵn sàng giúp người ấy những gì tôi có thể giúp. Nhưng tôi rất bận và không có thì giờ để gặp riêng rẽ.

Tôi cố van nài :

- Thưa Mục Sư, xin Mục Sư cho chúng con gặp một lần thôi cũng được, người này rất cần sự hỗ trợ về tinh thần.

- Nhưng rất tiếc, tôi không thể gặp riêng được?

Tôi rất thất vọng :

- Con cảm ơn Mục Sư. Kính chào Mục Sư.

- Chào cô.

Tôi gác ống điện thoại xuống thất vọng vô cùng, lòng buồn ray rức. Tôi nghe hình như một luồng máu nóng dâng tràn trong người tôi. Tôi chống cằm suy nghĩ mông lung và lo âu.

Chúa ơi, con phải làm gì đây ? Con phải gọi ai nữa bây giờ ?

Lúc này, tôi chưa quen biết Hòa Thượng Thích Chơn Thành.

Mặc dù cả hai chúng tôi cùng theo đạo thờ ông bà, tin tưởng nơi Ðức Phật, nhưng chúng tôi chưa bao giờ vào chùa cầu nguyện. Cả hai chúng tôi cùng có một suy nghĩ như nhau, Phật tại trong tâm của chúng ta, chúng ta không cần phải vào chùa để gặp Phật. Tất cả là do ở tâm mà ra.

Sực nhớ ra, tôi kiếm số điện thoại, gọi cho Hiếu, người quen mà tôi đã gặp ở tiệm food to go vài tuần trước. Tôi cho Hiếu biết là tôi đang cần một người cao tu nào đó để làm bạn với anh Sĩ Phú. Hiếu sẵn sàng giúp tôi liên lạc với một vị cao tu đã từng tu học tại Nhật Bản cùng thời với một số các vị thượng tọa, hòa thượng nổi tiếng trong cộng đồng Việt Nam như hòa thượng Thích Chơn Thành, viện chủ chùa Liên Hoa và cơ quan Từ Thiện Vạn Hạnh. Vị cao tu này hiện là một tu sĩ ẩn danh tại gia. Ông sẵn sàng gặp mặt chúng tôi. Ông hẹn gặp chúng tôi ngày thứ hai, 31 tháng 5 năm 1999. Lúc 8 giờ tối tại tư gia của ông.

Tôi mừng rỡ báo cho anh biết.

Ngày 30 tháng 5 năm 1999.

Sáng sớm tôi thức dậy, chạy xuống lầu thăm chừng anh, thấy anh vẫn còn yên giấc, tôi nhón gót trở lên phòng.

Tôi bắt đầu lo dọn dẹp nhà cửa vì đã hơn một tháng nay tôi không có thì giờ săn sóc. Ðầu tiên, tôi dọn dẹp trên phòng ngủ và chà rửa phòng tắm của tôi. Gần một tiếng đồng hồ trôi qua, tôi mải mê làm việc mà quên đi thì giờ.

Khi tôi trở xuống nhà để thăm chừng anh lần thứ nhì thì nhà vắng tanh, anh không còn ở giường ngủ nữa. Anh đã ra khỏi nhà. Tôi hoảng hốt, lo sợ và thắc mắc, không biết anh đi đâu giờ này. Tôi vội chạy ra ngoài sân trước, sân sau để tìm anh. Tôi nhìn ngoài đường, tuyệt nhiên không thấy bóng anh. Xe của anh vẫn còn đậu trong nhà xe. Tôi phân vân không biết anh đi đâu.

Tôi vội chạy lên lầu thay quần áo sửa soạn đi tìm anh.

Ðiện thoại reo.

Ðầu dây bên kia, anh lên tiếng:

- Good morning em, anh đang ở trong khu shopping đây.

Tôi hấp tấp hỏi anh:

- Trời ơi, anh làm em lo muốn chết, không biết anh ở đâu. Nhưng anh làm sao đến đó ? Mà shopping nào ?

- Anh đi bộ đến đây. Sáng thức giấc, thấy trong người khỏe khoắn, anh mới nghĩ đến việc đi bộ đến cái shopping ở gần nhà mình. Ngay gần chợ Ralph đó em !

- Nhưng từ nhà đến đó gần hai miles mà lại có dốc thật cao, anh làm sao mà đi đến đó được nhanh quá vậy ?

- Thì anh đi thật nhanh. Em có rảnh, đến đón anh, anh không nghĩ là anh muốn đi bộ về đâu em à ! Nhưng em cứ từ từ mà đi, đừng vội. Anh đang ăn một cái bánh donut.

- Vâng, em sẽ đến đó liền.

Tôi vội sửa soạn qua loa, chạy đến shopping gần nhà để đón anh. Ðến nơi, tôi thấy anh ngồi ở một cái bàn ngoài trời của một tiệm bán nước sinh tố, donut và cà phê. Anh mời tôi:

- Em ngồi xuống chơi một chút rồi về. Còn quá sớm. Em có muốn ăn uống cái gì không ?

Tôi kéo ghế ngồi xuống, không khí mát lạnh của buổi sáng sớm làm tôi cảm thấy rất dễ chịu, tôi nhìn quanh:

- Ở đây đẹp quá anh nhỉ ? Em chưa từng bao giờ có thì giờ để mà sống những giây phút như thế này.Thành phố này đẹp thật !

Anh lập lại:

- Em có muốn ăn gì không ?

- Cảm ơn anh, nhưng em không ăn sáng được nếu không đúng món !

- Em có muốn uống cà phê hay nước trái cây không ?

- Em cũng không muốn uống gì hết.

Nói vậy nhưng tôi cũng đi vào trong với anh để xem họ bán những gì.

Tôi chợt thấy có cái máy xay wheat grass ở bên trong quầy. Tôi hỏi cô bán hàng:

- Ở đây có bán wheat grass sao cô ?

- Có chứ, chúng tôi có bán, một ounce 99 xu. Cô muốn dùng ?

- Cảm ơn cô, tôi chỉ hỏi thôi.

Anh nói:

- Anh đã có mua một ly nhỏ uống rồi. Cỏ ở đây không đậm bằng của nhà mình làm. Anh uống thấy nó hơi khác vì có lẽ cỏ còn non.

Tôi được biết một vài năm sau này, nước cỏ này được bán hầu hết ở các tiệm bán nước sinh tố có tên là Juice-It-Up. Ðây là một phong trào thương mại để hấp dẫn giới trẻ, nhưng không ngoài mục đích tạo nên một chiều hướng sống khỏe, sống mạnh trong giới này. Wheat grass được rất nhiều người biết đến như một thức uống tốt đem lại sự khỏe mạnh cho đời sống vì nó trị rất nhiều bệnh và nhất là người ta tin rằng nó làm chậm lại sự bành trướng của ung thư.

Tôi nhìn quanh tiệm, rồi nhìn vào hàng loạt những bánh ngọt chưng bày thật hấp dẫn sau quày tủ kính bóng loáng, nhưng chẳng muốn ăn gì cả.

Chúng tôi trở ra ngoài. Tôi kéo ghế ngồi cạnh bên anh. Buổi sáng tinh sương vừa đến, gió hiu hiu thổi, những cây phong lá xanh mượt mà còn ướt đẫm sương mai. Tiếng chim kêu ríu rít buổi sáng mai làm tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Khu shopping vắng tanh trừ một vài người đến mua bánh ngọt rồi đi. Tôi và anh cùng nhìn về ngọn đồi trước mặt. Cây cối xanh um, thấp thoáng chen lẫn với những ngôi nhà mới với mái ngói đỏ chạy dọc theo khu đồi tạo nên những màu sắc vui tươi tràn đầy sức sống. Xa xa là một dãy núi dài ẩn hiện trong sương mờ, những hình ảnh đó tạo nên một bức tranh thật linh động.

Chúng tôi thấy rất dễ chịu. Một sự bình an và hạnh phúc len lỏi vào tâm tư.

- Lâu lắm rồi em mới được ngồi nhìn như vầy. Quả thực đời sống quá phức tạp, không bao giờ người ta chịu chậm lại để mà nhìn những nét đẹp ẩn hiện chung quanh chúng ta.

- Trong thời gian nằm liệt giường ở bệnh viện, anh không bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày anh được ngồi ở đây để thở cái không khí trong lành như buổi sáng nay.

- Vậy mà anh đã. Và hay hơn nữa, anh đã đi bộ được đến đây, gần hai dậm đường chớ ít sao, mà lại đường dốc nữa. Em cảm ơn bề trên, cảm ơn tất cả những người đã giúp anh.

Dù nắng bắt đầu lên cao, nhưng làn gió mơn man vào da thịt chúng tôi tạo ra cảm giác lành lạnh, anh nói:

- Thôi đi về em à ! Anh sợ em bị cảm thì khốn !

Anh dọn sạch sẽ cái bàn, bỏ cái ly và dĩa giấy vào thùng rác rồi cùng tôi ra xe. Anh lái xe về nhà.

Trên đường về, anh rất yên lặng, tôi gợi chuyện:

- Anh đang nghĩ gì đó ?

- Ðến bây giờ, anh vẫn chưa hiểu được sự tắc trách của họ, tại vì sao mà họ đã để anh phải chịu đựng quá lâu như vậy về vấn đề tiêu hoá. Nếu mình nói ra, chắc không ai ngờ.

Tôi chỉ biết chắc lưỡi, và không biết nói gì hơn.

- Em cũng không thể nào hiểu được.

Sáng hôm ấy, tôi chở anh đến nhà thờ St Barbara ở gần khu Little Saigon.

Cả hai chúng tôi đều không có đạo nhưng rất yêu kính và tin có Chúa ở trên cao.

Nhà thờ vắng hoe, sự yên tịnh này lại làm cho chúng tôi thoải mái. Tôi và anh đến bên hông nhà thờ, nơi có tượng Ðức Mẹ Maria. Nét đẹp Thiên Thần dịu hiền của Mẹ làm cho chúng tôi xúc động vô ngần. Tôi như bị thu hút vào bức tượng của Mẹ. Tôi đứng bên anh cùng chấp tay cầu nguyện:

- Lạy Mẹ Maria, chúng con đã đến đây. Chúng con đã đến với Mẹ đây. Mong Mẹ mở lòng Bác Ái đón nhận chúng con. Xin Mẹ yêu thương chúng con mà ban phước lành cho chúng con, ban cho chúng con sự sáng để chúng con theo đó mà đi đến với Mẹ. Xin Mẹ ban cho chúng con sự bình an và hạnh phúc trong tâm hồn để chúng con được sống thật sự với Mẹ. Xin Mẹ đem những bệnh hoạn của anh đi thật xa, để trả về cho anh một thân thể nguyên vẹn như lúc đầu Thượng Ðế đã ban cho anh. Xin Mẹ hãy yêu thương chúng con mà nhận chúng con là con của Mẹ. Chúng con xin giao phó hết đời chúng con cho Mẹ. Amen.

Tôi quỳ xuống làm dấu thánh giá rồi nhìn sang anh, hai chúng tôi cùng đi vào nhà thờ.

Chúng tôi cùng quỳ xuống ở hàng ghế thứ ba và trang nghiêm cầu nguyện. Tôi khóc rất nhiều ngày hôm ấy trong thánh đường mà Chúa Giê Su là nhân chứng. Vì lòng tin của tôi đối với Ngài vô bờ, tôi nói chuyện rất nhiều với Ngài hôm ấy. Tôi cầu xin Ngài một phép lạ. Tôi xin Ngài cứu anh.

Cả đời tôi, tôi luôn luôn có cảm tưởng lúc nào tôi cũng được Chúa Giê Su gia hộ cho tôi. Khi tôi gặp tai biến, tôi gọi Ngài, khi tuyệt vọng nhất, tôi cũng gọi Ngài, và mỗi lần đó, tôi đều được tai qua nạn khỏi một cách lạ thường.

Gần một tiếng đồng hồ trôi qua,Tôi hỏi anh:

- Anh có cầu nguyện nhiều không anh?

- Không, anh không cầu nguyện được.

Tôi ngạc nhiên:

- Tại sao anh không cầu nguyện ?

- Vì anh rất xấu hổ. Bao nhiêu năm qua, anh nào có cầu nguyện hay nghĩ đến Chúa đâu. Bây giờ bị bệnh mới chịu nghĩ đến và cầu xin Chúa, anh làm không được ! Anh cảm thấy xấu hổ, anh không muốn xin xỏ Ngài.

- Chúa ơi , anh không nên nghĩ như vậy. Vì Chúa nào nghĩ như vậy đâu ? Chúng ta là con của Thượng Ðế, bao lâu nay sống lưu lạc trầm luân vào thế gian vô minh này nên quên đi nguồn gốc, và dần dần xa rời Thượng Ðế. Nay những đứa con của Mẹ, của Thượng Ðế đang quay lại với Người, Người là cha mẹ thương yêu ta, lúc nào cũng dang tay mở rộng để chờ đón, làm sao mà Người nỡ từ chối ta ?

- Anh vẫn biết như vậy. Nhưng anh vẫn cảm thấy xấu hổ. Anh không thể làm gì khác hơn. Em nên hiểu cho anh vì anh là như vậy !

- Thôi không sao đâu anh à, anh đã đến với Ngài ngày hôm nay, và nói lên được những lời như vậy thì Ngài đã thấu hiểu tấm lòng của anh rồi. Em biết là Ngài đang nghe anh nói đó !

Chúng tôi ra về trong niềm yêu kính và hy vọng vô biên.

Tôi sợ anh bị mệt nên chở anh về nhà chứ không đi đâu khác nữa.

Về đến nhà, tôi khuyên anh nên đi nghỉ một chút rồi hãy dùng cơm. Tôi tháo giầy ra cho anh, dọn giường chu đáo sạch sẽ để anh nằm.

Anh lên giường rồi, tôi mới bắt đầu vào bếp làm thức ăn.

Vừa lúc đó, hai anh bạn rất thân của Sĩ Phú là Nguyễn Bá Bình và Nguyễn Kế Nghêu từ xa xôi đến thăm anh. Anh Bình là bạn của Sĩ Phú từ những năm học Ðệ Ngũ, Ðệ Tứ ở Nguyễn Khuyến và sau đó Chu Văn An. Ba anh rất vui khi gặp mặt lại nhau. Hai anh bạn ngạc nhiên và vui mừng khi thấy anh Sĩ Phú có vẻ hồng hào, mạnh khỏe. Các anh đem đến cho anh Phú nào chè, nào xôi...với cả một tấm lòng của hai người bạn thân.

Câu chuyện nổ ròn như bắp rang. Tiếng cười nói huyên thuyên, những kỷ niệm của thời xa xưa, thời đi chọc phá được các anh nhắc đến để mà cùng cười, cùng sống lại.

Tôi thấy anh vui mà vui lây và cùng cười với anh.

Hai anh bạn của anh ở chơi khá lâu rồi mới từ biệt ra về.

Còn phần tôi thì cắm cúi lu bu suốt cả buổi để nấu ăn cho anh. Tôi rất kỹ, nấu đến đâu, lau chùi đến đó. Tôi không chịu được cảnh bày cho đã rồi hãy dẹp một lần.

Luôn cả đến cái miếng cao su mềm rửa chén (sponge), mỗi hai tuần tôi xài một miếng mới vì không muốn xài miếng đã cũ. Tôi đọc báo Mỹ thấy họ nói rằng miếng cao su đó rất dễ bị nhiễm trùng vì nó đã chà rửa không biết bao nhiêu dĩa chén với thức ăn, nếu không rửa sạch, thức ăn còn vướng trong đó lâu ngày làm độc sẽ dễ gây ra nhiễm trùng.

Tôi lại rất kỹ lưỡng khi rửa rau. Tôi rửa không biết bao nhiêu nước. Tôi làm rất nhiều món ăn cho anh, nào là món bông cải xanh xào thịt bò với hành tây, canh cải chua, thịt kho, và tôm rang. Những thức ăn này, tôi nấu bằng với tất cả sự nhiệt thành trong tôi chứ không phải lấy lệ. Tôi săn sóc miếng ăn cho anh thật kỹ lưỡng và sạch sẽ. Có lẽ vì thế mà tôi ở trong bếp lâu hơn người khác. Nhưng mặc, tôi không cần biết, không để ý gì đến thì giờ, tôi làm cho xong công việc dù phải làm suốt ngày hay thức thật khuya.

Thức ăn tôi làm ê hề. Anh muốn ăn món nào thì ăn.

Anh nhăn mặt:

- Em làm gì mà nhiều quá như vậy. Anh đâu có ăn bao nhiêu !

- Nếu em không làm, thì anh sẽ không ăn, nhưng nếu em làm thì anh sẽ ăn. Ăn không hết thì ngày mai ăn. Thức ăn em nấu rất kỹ và sạch sẽ, ăn cả tuần cũng còn được.

Tôi dọn bàn ăn khá thịnh soạn. Lúc nào cũng bát đĩa thật đẹp và thật lịch sự cho anh. Mỗi một cái tô là có một cái đĩa kê ở dưới. Lúc nào bàn ăn cũng đều có hoa tươi.

Xong xuôi tôi mời anh đến bàn ăn. Chúng tôi luôn luôn có những giây phút rất thoải mái và thật hạnh phúc ấm cúng bên nhau trong những buổi ăn cơm.

Ngày xưa lúc còn sinh sống ở trên San Jose, anh ăn uống rất đỗi thiếu thốn. Rất nhiều ngày, anh không ăn uống gì cả, đến khuya lắc khuya lơ, mới vào bếp nấu một tô mì ly rồi đập một cái trứng bỏ vào. Anh sống một cuộc đời không khỏe mạnh chút nào. Nhưng lúc ấy vì quá chán đời, anh đâu còn tha thiết gì nữa.

Bây giờ, tôi nhất quyết đem anh ra khỏi cảnh đó. Tôi lo lắng cho anh hết lòng và thật nhiều để bù lại những lúc anh sống thiếu thốn.

Tôi nhớ có một lần, lúc tâm tình hàng đêm bằng điện thoại viễn liên, anh đã nói anh thích một gian nhà nho nhỏ với một cái nhà bếp thật ấm cúng, thơm mùi gạo nấu tỏa khắp nhà. Anh yêu cái không khí ấm cúng của một tổ ấm mà trong bếp lúc nào cũng có một vài thức ăn đơn sơ chẳng hạn như nồi canh cải ngọt, vài quả cà pháo, một khúc cá thu kho riềng hay đậm đà hơn, một bát phở nóng.

Tôi muốn đem lại cho anh cái mái ấm gia đình êm đềm đó.

Sau bữa cơm trưa, tôi dọn dẹp thật sạch sẽ ở nhà bếp rồi lót giấy báo đầy sàn nhà và bắt đầu bào vỏ cà rốt để xay nước cho anh uống.

Mỗi ngày anh uống khoảng hai ly to. Tôi phải gọt rất nhiều cà rốt. Ngày ấy tôi phải gọt khoảng 6, 7 bao cà rốt nhỏ một ngày. Tay tôi bị mỏi quá chừng. Các khớp xương bị nhức nhối vì tôi làm những động tác lập đi lập lại thật lâu, cổ tay, bàn tay và các ngón tay của tôi bị tê dại cứng ngắc.

Xong cà rốt là đến wheat grass. Tôi rửa thật nhiều wheat grass để cho khô ráo rồi bỏ vào máy xay. Sau đó tôi lấy đu đủ ra gọt vỏ và để ướp lạnh. Anh ăn rất nhiều đu đủ vì nó đã giúp anh tiêu hóa dễ dàng.

Tôi gọt thêm nhiều trái cây như xoài và dưa hấu để la liệt trong tủ lạnh cho anh dùng lúc đêm khuya.

Xong rồi tôi lấy tôm trong tủ lạnh ra, lột vỏ và rút chỉ, cắt thịt gà, xào thịt bằm với sốt cà, lặt giá, rửa hẹ, xà lách, và ngâm bánh hủ tíu rồi để ráo nước đợi làm hủ tíu khô cho bữa ăn chiều hay sáng hôm sau.

Rồi kế đến là tôi đi đập các quả thuốc Bắc cho anh. Các quả thuốc Bắc này có công hiệu là làm giảm ung thư, kéo dài mạng sống, chứ không trị dứt chứng ung thư. Cho đến bây giờ, tôi thành thực mà nghĩ rằng chưa có một loại thuốc Bắc nào trị hẳn được ung thư. Cùng lắm, thuốc Bắc kéo dài mạng sống của bệnh nhân ung thư thêm một vài tháng mà thôi.

Khoa học chưa từng chứng nghiệm rằng thuốc Bắc trị được ung thư. Nhưng vì tôi thương anh, tôi muốn mua tất cả những loại thuốc Bắc, hay tất cả những thuốc nào có chút công dụng làm giảm sự bành trướng của ung thư.

Anh còn có gì để mà mất mát nữa đâu ?

Ðằng nào anh cũng đã bị bệnh, sao không thử tất cả loại thuốc, biết đâu may ra thì sẽ gặp đúng thuốc ?

Loại thuốc này hột màu đen, to bằng hột đậu phọng, vỏ cứng như đá tên là Quỳ Thụ Tử. Loại hột này phải được xay ra cho nhỏ rồi bỏ vào nấu với nước lọc và nửa pound thịt heo thật ngon, để cho sôi 4, 5 tiếng đồng hồ. Lúc đầu tôi và anh lấy búa mà đập những hột thuốc này. Mỏi cả tay, mờ cả mắt, đau cả lưng, choáng váng cả mặt mày mà chúng tôi chỉ đập dập được khoảng hai nắm tay. Vì chúng quá cứng mà chúng tôi thì cần xay một pound hột để nấu một nồi thuốc, lúc đó chúng tôi ước gì có một cái máy xay nào đó có thể xay chúng ra.

Anh nghe nói có một tiệm thuốc Bắc sẵn sàng xay cho khách với giá là 3 đô la một pound, tôi mừng lắm, đem thuốc ra tiệm đó để nhờ họ xay. Nhưng họ từ chối quyết liệt bảo là họ không còn xay cho khách nữa vì cái vỏ của thuốc đó quá cứng làm cho cái lưỡi của máy xay của họ bị gãy. Họ chỉ cho tôi xem một cái máy xay thật to, trong rất cũ, không giống bất cứ một cái máy xay nào.

Tuy nhiên họ lại khoe với tôi là họ chỉ xay cho một bà ni sư nào đó mà thôi. Tôi năn nỉ họ rất lâu, nhưng họ quyết liệt từ chối. Tôi chán nản ra về. Sau đó khi tôi nói chuyện với một người khác, họ bảo là họ vẫn được tiệm thuốc Bắc này xay thuốc giùm đều đặn. Họ không thể hiểu được tại sao tiệm thuốc Bắc này lại từ chối chúng tôi.

Chúng tôi trở về nhà, lại tiếp tục đập thuốc bằng búa, tay tôi bắt đầu mỏi rục, mắt tôi bắt đầu hoa lên, lưng tôi đau như cắt, máu rần rần chạy xuống đầu vì ngồi khom lưng cúi đầu xuống ngót một tiếng đồng hồ. Anh cùng làm việc như tôi, anh một búa, tôi một búa, mỗi người ngồi một góc trong nhà xe của tôi. Tiếng búa chan chát, ầm ầm, nhưng những hạt thuốc vẫn cứng đầu, không chịu bể nhỏ ra.

Anh cũng khổ sở không kém tôi.

Anh gọi điện thoại hỏi bạn bè, xem có người bạn nào có cái máy xay để chúng tôi có thể mượn đỡ. Anh sực nhớ và gọi người bạn đã mách cho loại thuốc này xem anh ta có máy xay hay không.

May mắn thay, anh Ðỗ Ðình Du, có một cái máy xay thuốc đặc biệt cho loại hột cứng như đá này. Anh Du hứa sẽ cho anh Sĩ Phú mượn. Tôi vui mừng vô cùng.

Tôi hối anh lại nhà anh Du lấy máy về càng sớm càng tốt. Sau cùng, thì chúng tôi đem được máy xay đó về nhà. Nó xinh xắn và to bằng một cái máy xay sinh tố, nhưng nặng hơn.

Chúng tôi quý nó hơn vàng vì có tiền thì mua vàng cũng dễ thôi, nhưng chưa chắc gì đã mua được cái máy này. Các tiệm thuốc Bắc không tiệm nào có, và họ nói là chưa từng thấy nó bao giờ. Tôi không hiểu anh Du làm thế nào để có được cái máy này.

Anh Sĩ Phú và tôi nâng niu nó trong tay.

Cảm ơn anh Du.

Nhưng, cái gì rốt cuộc cũng có cái giá của nó. Cái máy này rất dễ bị cháy cầu chì khi xay hột quá cứng như vậy. Dù người sử dụng kinh nghiệm cách mấy, mỗi lần xay một pound hột thì nó bị cháy khoảng 3, 4 cái cầu chì, có khi còn hơn nữa. Thế là tôi đi ra Home Depot để mua cầu chì rất thường. Nó xài loại cầu chì khó tìm nhất thế giới, loại đặc biệt thật nhỏ như cái ống 12 Amps. Loại 10 Amps và 15 Amps thì đầy chợ nhưng 12 Amps thì lại rất hiếm. Tôi tìm phờ người mà cũng không tìm được. Nghe nói chỗ nào có một tiệm bán đồ điện đặc biệt là tôi đi đến nơi, nhưng vẫn chưa tìm được. Tôi lục trong điện thoại niên giám, gọi các tiệm bán đồ điện để hỏi, nhưng không ai có bán loại này. Buộc lòng tôi phải mua loại 15 Amps và vì thế, tôi rất sợ bị cháy máy. Mà cháy thì phải đền cho người ta một máy khác, làm sao tìm được máy này đây. Mỗi lần xay hột, thì tôi lại lo sợ đủ thứ chuyện, sợ bị cháy máy, sợ bị cháy cầu chì , hoặc không đủ cầu chì để xài vân vân?

Xay xong thuốc Bắc là tôi phụ anh nấu một loại trà gọi là Bách Hoa Xà Thiệt Thảo và Bán Chi Liên. Những loại thuốc Bắc này không có loại nào nấu dưới 2 tiếng đồng hồ cho nên chúng tôi phải nấu sớm.

Từ sáng đến chiều và cho đến lúc đi ngủ, anh uống rất nhiều loại thuốc do bác sĩ cho toa. Rồi lại thêm các loại thuốc Bắc, rồi nào là cà rốt và các loại vitamin khác như Shark Cartilage, Grape seed, Apricot seed, Noni Nhàu, sinh tố B17 hay còn gọi là Lát -Ơ -Tril, loại này chỉ được bán tại Mexico mà thôi, nhưng bị cấm tuyệt đối trong nước Mỹ, nhờ xem Internet để tìm kiếm thuốc cho anh, tôi mới mua được nó từ một tiểu bang miền Ðông nước Mỹ, nhưng giá rất cao, 100 đô la một hộp nhỏ xíu chỉ uống được vài ngày. Tôi rất lo lắng rằng anh phải uống quá nhiều như vậy. Nhưng anh tỉnh bơ, tôi đưa ly thuốc nào cho anh thì anh cũng bưng lấy mà ực một hơi. Anh rất siêng uống thuốc, luôn luôn uống rất đúng giờ và không bao giờ quên.

Cũng trong giai đoạn này, anh được một người bạn giới thiệu với một người đàn bà mà anh gọi là cô Hường. Tôi chưa bao giờ có dịp nói chuyện cùng cô, nhưng theo anh, Cô Hường đã từng là một bệnh nhân ung thư, nhưng nhờ uống trường kỳ một loại thuốc gia truyền thật đặc biệt từ Việt Nam gửi sang Mỹ nên đã giúp cô đẩy lui bệnh ung thư. Cô có lòng chia sẻ tin tức và giúp anh tìm được loại thuốc đó. Ðó là một thẻ vuông vức như một miếng bánh được anh cắt nhỏ ra, trắng và dẻo như sáp, không mùi vị gì cả. Theo anh nói, thuốc này cũng không khó uống lắm và anh uống rất đều đặn. Khi nào gần hết thuốc, thì qua một người bạn và cô Hường, chúng tôi được tiếp tế thêm.

Tôi nói với anh:

- Anh giỏi lắm, thuốc nào anh uống cũng được. Em không thấy anh chê thuốc nào cả. Như vậy là anh sẽ chóng hết bệnh.

Nhân dịp này, tôi xin trân trọng cảm ơn cô Hường, anh Nghêu, anh Bình, Anh Lương, anh Ðỗ Ðình Du về sự tử tế, ân cần chia sẻ mà cô và các anh đã dành cho Sĩ Phú.

Buổi tối, trước khi anh đi ngủ, tôi đưa anh lên lầu để tắm.

Anh rất sạch sẽ, lúc còn khỏe chưa bị bệnh, anh tắm mỗi đêm, trước khi đi ngủ. Người anh lúc nào cũng thật mát và thơm vì hình như anh chưa bao giờ chảy mồ hôi. Nhưng từ ngày bị bệnh và trở về từ bệnh viện, anh chỉ lau rửa mà thôi, hai ngày anh mới tắm một lần vì anh rất dễ bị nhiễm lạnh.

Anh nói anh không thích leo lên lầu dù chân anh đã hồi phục. Tôi dìu anh lên lầu, tôi đi sau anh, vịn vào anh, vì nếu anh có té, anh sẽ bật té vào người tôi. Nhưng lúc xuống lầu, tôi đi trước anh và anh vịn vai tôi nương theo mà đi xuống, nếu anh có bị té, anh sẽ té nhào lên người tôi. Ðằng nào thì anh cũng sẽ không bị té một mình mà sẽ luôn luôn có tôi để đỡ lấy anh.

Tôi vặn nước thật ấm trước khi anh vào bồn tắm vì tôi sợ anh bị lạnh. Tôi vặn máy sưởi lên. Phòng tắm có hơi máy sưởi từ trên trần nhà ào xuống làm căn phòng thêm ấm áp. Khi nước bắt đầu ấm, tôi giúp anh bước vào trong bồn tắm, lấy một cái ghế thật thấp để anh ngồi cho khỏi bị trơn trợt.

Tôi giúp anh chà xà bông phía sau lưng anh. Tôi kỳ cọ hai bàn chân dài thậm thượt của anh. Tôi tắm cho anh như một bà mẹ tắm một em bé. Trước đó tôi đem một cái khăn tắm thật lớn, thật dầy bỏ vào máy sấy quần áo, vặn nhiệt độ cho thật nóng. Khi anh sắp sửa tắm xong, tôi cứ để nước ấm chảy lên nguời anh cho anh đừng bị lạnh và chạy đi lấy cái khăn trong máy sấy ra, ập nó vào người anh trong lúc cái khăn còn nóng hổi. Tôi dìu anh ra khỏi bồn tắm. Anh vô cùng sung sướng vì cái khăn thật ấm, anh không cảm thấy lạnh gì cả.

Có một lần anh thích thú quá kêu lên:

- Anh thích quá em ơi ! Khăn ấm lắm !

Hơi ấm vẫn còn ở trong phòng tắm. Tôi dìu anh ngồi xuống một cái ghế thấp tôi để trong phòng. Tôi cẩn thận phủ một cái khăn thật sạch, thật dầy lên ghế để anh không bị lạnh mông khi anh ngồi. Tôi trải một cái khăn sạch thật to khác ở dưới đất và đặt hai chân anh xuống cái khăn đó để anh không bị lạnh chân. Toàn thân anh được ấp ủ như thân thể của một em bé.

Anh rất cảm động và xúc động vô cùng vì sự chu đáo. Anh nói:

- Anh cảm thấy rất ấm áp và sung sướng vô cùng em à ! Cả một cuộc đời anh, chưa từng bao giờ anh được săn sóc như thế này cả. Anh không ngờ đến giờ phút này trong cuộc đời mà anh lại được sống như thế này.

- Thật sao anh ?

- Thật, anh đã bị quên lãng suốt cuộc đời. Và cũng vì thế cho nên anh quen rồi. Những gì em làm hôm nay rất quý đối với anh. Anh không bao giờ dám mơ ước đến.

Anh ôm tôi và âu yếm hôn lên tóc tôi, chúng tôi ôm nhau trong niềm vui thật đơn sơ, nhưng đầy ắp yêu thương của một tình yêu thật cao quý.

Tôi dìu anh xuống lầu. Nhưng anh đòi lại phòng ngủ của tôi, vì anh xa nhà đã quá lâu. Anh muốn nhìn lại tất cả những căn phòng, những góc nhà quen thuộc mà anh đã từng góp phần chăm sóc nó. Anh sung sướng nằm trên chiếc giường cũ, ngủ một giấc ngon lành sau khi được tắm gội thật sạch sẽ.

Nửa khuya, tôi đem các bình để đựng nước tiểu vào cho anh, để anh không phải mò mẫm trong bóng tối lờ mờ ban đêm. Tôi cũng không quên đem thuốc lên phòng cho anh uống.

Sau khi anh đã an nghỉ, tôi đi lau chùi dọn dẹp nhà bếp và phòng tắm cho đến khuya. Nhờ vậy mà nhà của tôi thật sạch sẽ trong thời gian anh dưỡng bệnh vì tôi muốn anh sống trong một một môi trường tốt đẹp và khỏe mạnh.

Ðó là một ngày làm việc bên anh.

Một ngày tiêu biểu của chúng tôi trong suốt thời gian anh vừa được khỏe mạnh là như thế. Ðó là chưa nói đến những chuyến đi vào UCI rất thường như cơm bữa để gặp hai ba vị bác sĩ cho hai chứng bệnh phổi và bướu óc. Ðó là chưa nói đến giai đoạn vào chiếu quang tuyến mỗi ngày trong nhiều tuần liên tiếp và vô số những lần vào bệnh viện vì những lý do khác. Tôi đi đến bệnh viện UCI quá thường đến nỗi tôi nhớ từ bậc thang, từ góc hành lang, từ từng lầu, từ chỗ đậu xe, nơi nào có cây cao bóng mát?.

Mỗi lần vào bệnh viện như vậy, thường là chúng tôi mất hết hơn nửa ngày. Vì thế công việc ở nhà bị hoãn lại, tôi buộc phải thức đến 2, 3 giờ sáng để làm cho xong. Rất tiếc là một ngày chỉ có 24 tiếng đồng hồ, chứ nếu có thêm 24 tiếng, thì tôi cũng có thể xài hết. Chỉ có những người nào đã từng trải qua cảnh ngộ của chúng tôi thì mới hiểu được sự bận rộn của tôi ngày ấy là chừng nào. Từ những chuyện lớn đến chuyện nhỏ đều cần thì giờ để làm. Tôi vì có quá nhiều việc để làm cho anh nên quần quật suốt ngày, không hở tay. Hết cái này, bắt qua cái kia, hết cái kia, bắt qua cái nọ, liên tiếp là một chuỗi dài những công việc phải làm suốt ngày.

Ngày nào tôi phải đi nhà thuốc tây để mua thuốc cho anh thì ngày ấy tôi lại phải làm việc vất vả hơn. Mặc dù tôi có gọi trước cho họ để khi đến lấy khỏi phải chờ, nhưng mỗi lần mua thuốc là mỗi lần tốn kém thì giờ. Có đôi khi chúng tôi phải chờ họ gọi về bệnh viện hay liên lạc với bác sĩ cho toa, rồi chờ đợi đôi khi kéo dài cả tiếng đồng hồ, tôi hết đứng lên, ngồi xuống, chờ chờ đợi đợi trong khi hàng lố những công việc ở nhà bị buông bỏ hết.

Ðêm nào tôi cũng lục đục trong nhà bếp đến một hai giờ sáng để chuẩn bị những thức ăn và thuốc thang cho anh.

Ăn bữa sáng, lo bữa trưa, ăn bữa trưa, lại lo cho bữa cơm tối. Một ngày anh ăn ba bữa, và uống không biết là bao nhiêu loại thuốc tây, thuốc Bắc và thuốc bổ.

Tôi rửa không biết bao nhiêu chén dĩa hàng đêm. Tôi bắt đầu xài cái giá để chén đĩa trong máy rửa chén. Chén bát chồng chất lên nhau trông mà phát ngộp. Tôi nói với anh:

- Không biết tại sao chỉ có mình em với anh thôi mà bao nhiêu là chén đĩa trong một ngày. Vô lý quá anh hở ?

- Vì em quá kỹ nên em phải cực khổ. Anh đâu có bảo em phải làm như vậy đâu ! Em làm cho anh rất ái ngại, vì anh mà em cực khổ, quần quật suốt ngày không hở tay.

Tôi dịu dàng phân trần cùng anh :

- Nhưng nếu em không lo cho anh thật đầy đủ thì anh làm sao có đủ sức mạnh và nghị lực để chống trả với căn bệnh. Anh cần được chăm sóc chu đáo cẩn thận và cần được yểm trợ tinh thần tối đa. Em rất sẵn lòng lo cho anh, em chỉ nói cho có chuyện hỏi vậy thôi.

- Anh biết như vậy, nhưng nhìn thấy em quần quật suốt ngày, anh rất đau lòng. Có lẽ em nên đi làm lại, để anh lo cho anh một mình cũng được. Anh làm từ từ rồi cũng xong.

Ðúng như bác sĩ đã nói trước, ba tuần sau khi cơ thể của anh đã ngấm chất Chemo, miệng của anh bị nóng lở đầy hết. Chung quanh trong miệng anh bị đầy những đường như dấu cắt, lở lói rất đau đớn. Anh dùng nước sát trùng để súc miệng, nhưng tai hại hơn, nước này làm anh bị lở nặng hơn. Anh không ăn uống gì được, anh rất khổ sở, và đau đớn vô cùng. Anh ít nói, ít hoạt động, anh chỉ nằm suốt ngày.

Tôi đem anh vào bệnh viện để bác sĩ cho anh một toa thuốc trị miệng lở vì các thuốc bán ngoài nhà thuốc tây đều vô hiệu. Toa thuốc ông bác sĩ cho là một công thức, nhà thuốc tây phải pha chế tại chỗ chứ không có sẵn. Tôi không biết việc đó vì vị bác sĩ này bất cẩn không nói trước. Buổi chiều, đem anh trở về nhà xong, tôi đi lại ít nhất là 3 nhà thuốc tây, nhưng cả ba đều nói rằng họ không thể pha chế được. Tôi thất vọng trở về nhà và đến gặp bác sĩ Spillane ngày hôm sau tại UCI, tôi than phiền với ông:

- Ông cho tôi một cái toa thuốc mà cả ba nhà thuốc tây đều không ai pha chế được. Rất cực và tốn thì giờ của tôi. Xin ông cho tôi một toa thuốc khác hay nếu có thể, tôi xin nhờ phòng bào chế của bệnh viện pha giùm tôi loại thuốc đó.

Vị bác sĩ gọi cho phòng pha chế, họ nói rằng họ rất bận, tôi phải chờ lâu lắm. Tôi bằng lòng chờ. Nửa tiếng đồng hồ sau, tôi dò hỏi y tá, họ chỉ đường tôi lên phòng bào chế của bệnh viện.

Tôi đem tài ngoại giao ra thuyết phục được một cô dược sĩ trẻ rằng chồng tôi đang bị đau đớn ở nhà, chờ tôi về, anh rất mong được lọ thuốc này để giúp anh bớt đau vì anh chịu đựng đã hơn một tuần lễ.

Cô vâng dạ, đi vào phòng bên trong. Bảy phút sau, cô đem ra một lọ nước xền xệt màu hồng, mát lạnh và đưa cho tôi. Cô nói:

- Ðây, chúng tôi đã pha chế rồi theo toa của bác sĩ Spillane. Cô cho tôi mượn thẻ bảo hiểm của chồng cô để chúng tôi tính tiền.

- Lọ thuốc này bao nhiêu tiền, thưa cô ?

- Hai đô la và chín mươi lăm xu !

- Chỉ có vậy thôi à ?

Tôi rút trong ví lấy ra ba đồng đô la đưa cho cô, cảm ơn cô đã giúp tôi rút ngắn thời gian chờ đợi rồi hối hả chạy về nhà.

Tội nghiệp cho anh, ở nhà chờ đợi mỏi mòn, đau đớn, bứt rứt?.

Tôi đưa cho anh lọ thuốc, anh ngậm một hớp vào miệng và nhổ ra vài phút sau. Thuốc thật hay, chỉ trong vòng mười phút sau anh bớt đau nhức, và bắt đầu ăn uống trở lại chút ít. Không đầy ba ngày anh hồi phục lại bình thường.

- Anh cảm ơn em, cảm ơn Ngọc Lan vô cùng ! Anh cảm thấy khỏe lắm em ạ ! Miệng đau đôi khi làm cho anh không muốn nói chuyện và rất dễ đâm ra cáu kỉnh. Em hãy tha lỗi cho anh nếu anh có làm gì cho em buồn phiền, em nhé !

- Anh đừng lo gì cả, anh rất dễ thương. Anh không có làm gì cho em buồn hết.

Khi cơ thể bắt đầu đi đứng lại bình thường, mỗi buổi sáng sớm anh thường hay đi bộ một vòng trong khu vực nơi chúng tôi ở, rồi trở về nhà tập thể dục ngoài trời khoảng 15 phút. Một người bạn của anh cho biết là có một nhóm bạn hữu tụ tập lại ở công viên Một Dậm Vuông ở thành phố Fountain Valley mỗi sáng sớm thứ bảy để học và tập khí công.

- Anh nhờ em chở anh đến công viên đó mỗi sáng sớm thứ Bảy để anh gia nhập vào nhóm bạn để cùng sinh hoạt với họ.

Sau gần hai tháng, thì người huấn luyện viên mướn được một cái phòng trống ở gần khu Little Saigon để mở một lớp học khí công và do đó lớp học ở công viên Một Dậm Vuông được giải tán. Anh mau mắn ghi tên vào học lớp khí công này.

Cũng từ đó, mỗi cuối tuần, anh thức thật sớm để đi học Khí Công. Anh tự lái xe đi đến lớp học vì không muốn phiền tôi. Vả lại, anh khuyên tôi nên ngủ trưa trong hai ngày cuối tuần để lấy lại sức vì tôi thức khuya nhiều quá.

Trong thời gian này, anh có vẻ yêu đời lắm. Anh gặp bạn bè, cùng hàn huyên trò chuyện rất thân thiết với họ sau lớp học. Có đôi khi anh làm tài xế, chở họ về nhà, và đó cũng là dịp để anh thăm viếng, chuyện trò với họ. Khi trở về nhà, anh khệ nệ đem về nào cam, nào bưởi, nào chanh do anh hái ở nhà những người bạn này về tặng tôi.

- Em ơi, anh đem bưởi ngọt về cho em đây ! Ông bạn già của anh đã nhường trái bưởi ngon nhất cho em đấy !

- Em ơi, anh đem chanh về cho em làm nước mắm đây cưng !

Những lúc ấy, anh đã chấp nhận số phần. Sống những ngày tháng dù bệnh hoạn nhưng an vui và bằng lòng với hiện tại vì đối với anh, không một nỗi vui buồn nào trong cả cuộc đời có thể so với nỗi vui buồn quý báu ở cuối đời.

Anh rất trân quý những ngày tháng chúng tôi có nhau, anh rất hài lòng với những gì anh có, không bao giờ đòi hỏi bất cứ một cái gì hay than phiền, trách móc. Luôn luôn nhìn đời và mọi việc chung quanh bằng một thái độ rất thông cảm, bao dung, và tha thứ.

Anh sống rất giản dị, không màu mè, và rất âm thầm như anh đã từng sống bao nhiêu năm nay. Lúc nào bên tay anh cũng có một quyển sách. Sách là bạn tri kỷ của anh, là niềm vui, là hơi thở của anh. Tôi cực lực ngăn cản không cho anh đọc sách vì sợ anh bị nhức đầu và vì anh bị bướu óc. Nhưng anh vẫn ráng đọc. Tôi phải lần lần đem dẹp bớt sách vì cứ lo sợ nó ảnh hưởng cho sự hồi phục của anh. Thay vào đó, tôi mua những băng đọc truyện về tâm linh cho anh nghe.

Một người đàn bà tôi mới quen, đã gọi điện thoại hỏi thăm về anh. Sau khi tôi cho cô ta biết tình trạng phục hồi của anh, cô ta đã nói với tôi như thế này:

- Hồi ông Sĩ Phú còn trẻ đẹp, danh tiếng thì đâu có đến phiên Lan. Bây giờ bệnh hoạn thì mới có Lan. Khi không Lan ở đâu vô phước nhảy vô lãnh đủ. Ông ta có phước lắm mới gặp Lan.

Tôi xem những lời ác ôn đó không ra gì. Ðó là lời của một người đàn bà tầm thường lúc nào cũng tìm những danh vọng, lợi lộc vật chất tầm thường. Vì họ nghĩ như vậy, nên nói như vậy. Họ nói lên lòng họ, chứ nào phải lòng tôi ?

Tôi trả lời cô ta rằng:

- Tôi không nghĩ là anh Sĩ Phú có phước mới gặp tôi. Tôi nghĩ là chúng tôi rất may mắn được gặp nhau. Hay hơn nữa, tôi rất may mắn được bề trên chọn để săn sóc anh.

Tôi không cần biết anh còn tiếng tăm hay đã hết. Nếu tôi đến với anh lúc anh còn tiếng tăm, thì không còn gì để nói nữa vì đó chỉ là một sự mua bán, đổi chác. Tình yêu chúng tôi cho nhau cao quý hơn nhiều. Dĩ nhiên, tôi quen anh vì tiếng hát của anh, nhưng tôi quý anh và ở lại vì nhân cách của anh. Khi người ta đến với nhau vì những cái hào quang bên ngoài thì ai cũng có thể làm được, không có gì phải nói. Nhưng đến với nhau khi không còn gì nữa cho nhau, mà vẫn quý nhau, trọng nhau, nể nhau, tình yêu đó mới là hiếm quý.

May mắn thay cho anh, anh đã không gặp những loại đàn bà như vậy. Ðó là lần cuối cùng tôi nói chuyện với cô ta.

Tôi rất tự tin và vững tâm vì tôi không nhìn đời bằng đôi mắt của một con người tầm thường.

Lòng tôi mở rộng cho anh. Tôi có thể hy sinh cả cuộc đời còn lại của tôi cho anh, nếu anh có thể sống sót lâu đến chừng ấy để đón nhận. Vì, được quen anh ba năm trước đó và chung sống với anh bây giờ, tôi khám phá ra rằng người đàn ông này có một nhân cách cao quý mà tôi vô cùng khâm phục. Không ai mua được lòng khâm phục của tôi vì tôi quý nó lắm, và vì thế cho nên tôi phải chọn mặt để gửi vàng.

Người ta đã không tìm được một lý do nào hay hơn để nói nên, đi đến đâu, tôi cũng đều nghe người ta lập đi lập lại chỉ một câu:

- Chắc cô ấy phải mê ông Sĩ Phú ấy lắm nên mới làm như vậy.

Ðối với tôi, chữ mê quá thấp và quá tầm thường. Trên đời này có biết bao nhiêu triệu người mê nhau ? Nhưng câu hỏi là, họ đã làm cho nhau được những gì ? Tình yêu của chúng tôi, ở đây, tôi không cần phải quảng cáo để rao bán, vì tình yêu ấy cao quý vô cùng và vượt lên trên tất cả.

Tình yêu ấy có cung bậc của chính nó.

Thuở ấy, tôi chỉ biết cám ơn Thượng Ðế đã ban cho tôi một trái tim biết yêu thương người và tôi luôn luôn xin Thượng Ðế ban cho tôi lòng chịu đựng, nhẫn nhục và sự dũng mãnh để vượt qua tất cả những nghiệt ngã trong cuộc đời.

Không bao lâu, từ 148 lbs anh lần lần lên cân và nặng khoảng 170 lbs. Anh trông rất hồng hào và khỏe mạnh. Ðây là khoảng thời gian mà anh trông khỏe và đẹp nhất.

Có nhiều người lầm tưởng, nói rằng vì bệnh nặng nên anh bị phù thủng. Phù thủng thì làm sao mà da thịt được hồng hào rắn chắc như anh được.

Nhưng cũng trớ thêu thay, đây là khoảng thời gian anh mang lấy một căn bệnh ngặt nghèo nhất. Vừa tìm được hạnh phúc, tìm được những gì anh hằng mơ ước, thì thực tế khắc nghiệt, quá phũ phàng vây phủ lấy anh.

Anh nói lên lòng mong ước với tôi:

- Nếu anh được hết bệnh, anh sẽ bỏ hết những tật hư thói xấu như ăn uống bất thường, thức khuya đọc sách suốt đêm, uống cà phê đậm, lo lắng thái quá, anh cũng sẽ không bao giờ đụng đến một điếu thuốc. Anh sẽ sống một cuộc đời thật khỏe mạnh, ăn uống điều độ, ngủ nhiều, không uống cà phê đậm và lo lắng nữa. Bây giờ nhìn lại quãng đời đã đi qua, anh cảm thấy vô cùng hối tiếc. Anh đã cho phép bao nhiêu ưu phiền vây kín cuộc đời anh từ những ngày vừa bước chân ra đời. Cả một cuộc đời, không có một ngày vui. Vừa mới lớn lên, thì vì một lỗi lầm, đã lôi kéo cả một cuộc đời anh đi xuống. Rồi từ đó không có cái gì nên thân, cái gì cũng tan vỡ, cái gì cũng lỡ làng, không có cái gì thành công cả. Em ơi, anh vì sống quá nhiều về tình cảm nên phải khổ tâm.

Làm sao Sĩ Phú sống vui cho được khi mà những u buồn cứ mãi vây kín hồn anh. Nhất là người nghệ sĩ đa tài và đa đoan như anh. Lòng anh lúc nào cũng cưu mang một nỗi buồn nhân thế. Anh trút bỏ nỗi lòng của anh qua những gì anh hát, những gì anh ca. Càng u sầu, càng đau khổ, tiếng hát của anh càng trữ tình càng ngọt ngào và sâu lắng hơn. Nếu nghe kỹ, những bản nhạc anh hát trước1975 không có âm hưởng buồn nhiều. Mà ngược lại, giọng hát của anh lúc đó dù cũng rất trầm và đầm ấm, nhưng khá mạnh và cao vút như giọng hát của một anh thanh niên đang độ mới trưởng thành.

Giọng hát sau 1975 của anh có âm hưởng buồn, nhẹ nhàng, lãng mạn, trữ tình lẫn một chút gì quý phái, hiếm hoi.

Anh phân tích với tôi:

- Anh không thích giọng hát của anh trước 1975 bằng sau 1975 vì thời đó, mặc dù giọng anh có nhẹ nhàng, ấm áp, cao vút, nhưng nó là giọng hát của một anh chàng thanh niên mới lớn lên, chưa biết đời là gì. Anh cứ hát nghêu ngao và hát khơi khơi như vậy. Sở dĩ các thính giả ở lớp tuổi 50 thích anh là vì đó là những kỷ niệm, những gì họ đã nghe trong cuộc đời họ và họ đã sống với kỷ niệm đó. Có thể họ cũng biết rằng giọng hát anh sau 1975 trữ tình hơn, chải chuốt hơn, đậm đà hơn, nhưng họ vẫn thích nhạc anh hát trước 1975 vì đó là những kỷ niệm mà người ta trân quý trong đời. Nhưng nếu anh phải lựa chọn, thì giọng hát anh sau 1975 mới chính thật là giọng hát trữ tình ngọt ngào của Sĩ Phú.

Trước        Mục Lục       Tiếp