1

About Sĩ Phú

On The News

Album Collections

Memories

Special Events

Chiều Sĩ Phú

Đêm Ra Mắt CD

Những Gì Anh Hát

Thư Độc Giả

Hồi Ký: Biết Bao Giờ Nguôi

Contact Us

 

 

Trước        Mục Lục       Tiếp

Chương Sáu
Các Con Của Anh

Anh có ba người con ruột, người con trưởng là Nguyễn Sĩ Trường Sơn, người con thứ hai là Nguyễn Sĩ Trường Thành, người con út là cô Nguyễn Ngọc Thanh Tuyền.

Trong thời gian anh ở một mình từ năm 1990 đến 1995, anh về Việt Nam 2 lần để thăm các con. Lần đầu tiên là năm 1992, lần thứ nhì là năm 1994.

Trong kỳ về lần thứ hai, các con anh lúc đó đã chán nản vì chờ đợi giấy tờ quá lâu để đoàn tụ cùng bố, nên xin phép bố cho chúng ở lại Việt Nam.

Năm 1982, anh có làm đơn xin bảo lãnh các con anh qua Mỹ đoàn tụ, nhưng giấy tờ bị rất nhiều trở ngại, nên trên mười năm dài, anh vẫn chưa đạt ý nguyện. Các con anh xin bố mua nhà cửa để khi chúng lập gia đình thì có nơi sinh sống. Rất thương và chiều con, năm 1994, anh mua cho chúng một căn nhà lầu 3 tầng rất khang trang ở một khu khá tốt tại Sài Gòn. Anh dự định mua căn nhà này là dành cho 3 gia đình của 3 đứa con. Mỗi gia đình một tầng lầu.

Nhưng không lâu sau đó, đứa con trưởng của anh là Trường Sơn, dọn ra riêng, một lần nữa, anh lại phải gửi tiền về Việt Nam để giúp cậu con này mua một cái nhà khác. Rồi đứa con gái út của anh, Thanh Tuyền, lại dọn ra riêng, xin bố tiền mua một cái nhà riêng cho cô, anh lại gửi tiền về cho cô con gái mua một cái nhà khác.

Ngôi nhà ba tầng lầu anh mua lúc đầu được đứa con trai thứ, Trường Thành, ở lại chăm sóc đến bây giờ.

Cũng tạm yên, ba đứa con có ba cái nhà, mơ ước của anh đã thành.

Khi anh nghe cô con gái út bán cái nhà của cô hai tháng sau đó để lấy tiền đưa cho người mẹ chồng hùn mua một cái nhà khác lớn hơn và nhà này do bà mẹ chồng của cô đứng tên, anh buồn vô cùng.

Những cố gắng của anh tiêu thành bọt biển. Anh tỏ vẻ rất lo lắng cho cô con gái út về việc cô làm dâu nhà người ta. Không biết người ta có thương con mình không.

Sau này, khi sống chung cùng tôi, có một lần anh than thở về điều này, nhưng vì tôi mải miết bận rộn làm việc mà xao lãng, không tập trung vào câu chuyện. Bây giờ anh mất rồi, tôi vô cùng hối tiếc, thì cũng đã quá muộn. Nhưng dù sao đi nữa tôi cũng còn chút an ủi cho riêng tôi vì tôi cũng đã xoa dịu anh một phần nào nỗi lo lắng:

- Không sao đâu anh, thời buổi này ít còn cảnh mẹ chồng nàng dâu anh à. Dù sao đi nữa, con gái của anh cũng là đứa có học, có sắc, có đầu óc, nó không đến nông nỗi nào đâu. Dựa theo những gì anh đã kể về Tuyền, em thấy, Tuyền rất thông minh và khôn khéo lắm.

Vụ mua bán nhà cửa là do các con của anh bên Việt Nam kể lại cho tôi nghe khi tôi gọi các cháu để lấy thêm tài liệu cho quyển sách này.

Sẵn trong dịp này, tôi xin phép với quý vị cho tôi nói một chút về việc bảo lãnh các con của anh. Vì có rất nhiều vị thính giả thắc mắc hỏi tôi rằng tại sao Sĩ Phú qua Mỹ đã lâu mà không bảo lãnh con qua Mỹ sớm. Lại có người trách rằng anh đã không làm tròn phận sự của một người cha, vân vân ... và vân vân...

Tôi xin nói sơ qua trường hợp của anh.

Ngày xưa bảo lãnh bà con từ Việt Nam sang Mỹ không nhanh như bây giờ. Cứ mỗi 6 tháng, là người ta bắt người bảo lãnh phải cập nhật hóa giấy tờ.

Trường hợp anh Phú cũng vậy.

Anh than thở cứ mỗi 6 tháng là phải nộp thêm hồ sơ để bổ túc mà ròng rã 10 năm trời, con anh vẫn không qua được. Lần nào anh khiếu nại thì họ cũng bảo chờ. Cho đến khi anh nghỉ làm việc, và công việc làm ăn buôn bán bị thất bại lỗ lã, họ lấy lý do là anh không đủ điều kiện về tài chính để bảo lãnh cho con anh. Họ gửi cho anh một văn thư xác nhận là hồ sơ của các cháu sẽ thuộc vào loại không thể đi sang Mỹ được và họ sẽ không tái xét trường hợp này. Sau này khi anh kể cho anh Nam Lộc, một người bạn thân và cũng là một chuyên viên về Di Trú và Tị Nạn rất quen thuộc với cộng đồng Việt Nam tại miền Nam California trong suốt một phần tư thế kỷ qua, thì được anh Nam Lộc cho biết rằng, anh có thể tìm một người quen thân nào đó để đứng ra lo bảo trợ vấn đề tài chính giùm anh. Anh Nam Lộc cũng đã cho tôi biết Sĩ Phú đã nói với anh như sau:

- Trong hoàn cảnh này, với trách nhiệm đòi hỏi nặng nề như thế, ai mà còn có thể đứng ra để lo giùm tôi nữa ?

Sau này, tôi đã nhiều lần xin anh cho tôi được phép đứng ra lo việc bảo trợ tài chính cho các con anh, như tôi đã từng làm cho rất nhiều người khác, nhưng mỗi lần, anh đều từ chối. Anh không muốn các con của anh là một gánh nặng cho tôi.

Nhưng, tôi biết vấn đề tài chính không phải là lý do chính khiến họ khước từ. Tôi xin dẫn chứng một câu chuyện có thể giúp quý vị hiểu rõ vấn đề hơn.

Năm 1980 mẹ tôi bảo lãnh người con ruột, là em trai ruột của tôi sang Mỹ. Người em tôi, dĩ nhiên là mang họ cha như tất cả chúng tôi, nhưng vì người bảo lãnh là mẹ tôi, mà ở Việt Nam, phong tục của ta là người vợï không có đổi họ theo họ chồng, nên họ của em tôi và mẹ tôi không giống nhau. Thế mà người Mỹ họ nhất định không cho em tôi sang, dù cho trong khai sinh của em tôi có cùng họ với cha tôi, mà cha tôi là chồng của mẹ tôi. Nếu người bảo lãnh cho em tôi là cha tôi, thì em tôi đã được qua rất nhanh, nhưng vì cha tôi đã mất từ lâu, mẹ tôi bảo lãnh mới gây ra cớ sự. Chúng tôi là anh chị em ruột cũng có thể bảo lãnh được cho em, nhưng vì nghĩ rằng liên hệ giữa mẹ và con nhanh hơn, dễ hơn nên mới nhờ mẹ tôi đứng ra bảo lãnh, vì thế mới bị rắc rối.

Sau 14 năm trời, em tôi cũng không qua được, tôi viết rất nhiều thư cho Tòa Ðại Sứ Mỹ bên Thái Lan, nhờ người đưa tận tayï, họ cũng đều lấy lý do là em tôi không qua được vì họ tin là nó không phải là con ruột của mẹ tôi. Sau 14 năm chịu đựng, tôi liên lạc và viết thư cho Dân Biểu Cộng Hòa là ông Robert Dornan thời bấy giờ, kể rõ sự tình và nhờ ông can thiệp, 2 tháng sau, em tôi được qua Mỹ đoàn tụ gia đình.

Bây giờ tôi xin trở lại vấn đề tại sao anh Sĩ Phú không đem con qua Mỹ được, kể cả sau này khi anh sắp mất, tôi đã làm tất cả những gì có thể làm để đem các cháu qua cho chúng gặp mặt bố lần cuối cùng, nhưng cũng thất bại.

Lý do là vì anh và mẹ các con anh sống chung không hôn thú. Vì thế đối với luật pháp Mỹ, các cháu là những đứa con ngoại hôn. Dù khai sinh có để tên anh là cha đi nữa, nhưng khi tình trạng gia đình của hai người vẫn là độc thân, người Mỹ sẽ khó mà tin các cháu là con của anh và người đàn bà đó.

Theo tôi nghĩ, hôn nhân là một sự ràng buộc gia đình được luật pháp công nhận, sau khi thành chồng vợ, đứa con của hai người mới được xem là con của họ theo pháp lý. Nếu hai người sống chung với nhau không hôn thú, họ có thể suy luận ra hàng chục lý do rằng các cháu không phải là con ruột của anh. Chẳng hạn như họ có thể suy ra rằng các cháu là con riêng của bà ấy với một người nào khác được anh nhận làm con, vân vân và vân vân. Với lý lẽ đó, người Mỹ không chịu cho phép các con anh qua.

Mục Sư Nguyễn Xuân Bảo của Thánh Ðường Sài Gòn là người đã cùng tôi hết lòng tận tâm đứng ra xin bảo đảm cho ba cháu được qua thăm bố trước khi anh nhắm mắt từ giã cõi đời đã cho tôi biết:

- Tôi có nói chuyện với Tòa Tổng Lãnh Sự ở Saigon và hỏi lý do nào mà họ từ chối cấp chiếu khán cho ba đứa con anh Phú sang Mỹ, họ cho tôi biết vì con anh là con ngoại hôn.

Mà quả thực, khi đứa con thứ nhì của anh được kêu đi phỏng vấn, kết quả cũng vậy. Theo lời cháu kể, cháu là giám đốc của một công ty khá lớn bên Việt Nam, lại là kỹ sư điện toán, có nhà cửa đàng hoàng (nhà của bố Sĩ Phú mua cho) và bên vợ cháu rất khá giả, nhưng cháu vẫn bị họ đánh rớt rất nhanh chóng mà không cần xem xét gì thêm.


Trước        Mục Lục       Tiếp