1

About Sĩ Phú

On The News

Album Collections

Memories

Special Events

Chiều Sĩ Phú

Đêm Ra Mắt CD

Những Gì Anh Hát

Thư Độc Giả

Hồi Ký: Biết Bao Giờ Nguôi

Contact Us

 

 

Trước        Mục Lục       Tiếp

Chương Mười Ba
Tuyết Trắng

Cuối năm 1997.

Anh đến phòng thu âm của trung tâm Asia Entertainments để thu âm bản nhạc Tuyết Trắng. Lúc đó tôi đang làm việc cho một công ty lớn ở thành phố Cypress, quận Cam. Tôi có trách nhiệm phải điều hành một kế hoạch sửa đổi hệ thống điện toán của công ty này để đối phó với vấn nạn Con bọ điện toán năm 2000. Tôi làm việc rất nhiều giờ, và luôn ở lại sở rất trễ. Sau khi anh thu âm xong bản nhạc Tuyết Trắng, khoảng nửa đêm, từ phòng thu của trung tâm Asia, anh gọi cho tôi:

- Em ơi anh đây, thu âm xong rồi. Trời ơi giờ này mà em còn làm việc sao ?

- Vâng thưa anh, em còn làm, từ nay cho đến tháng giêng năm 1999, có lẽ em sẽ làm nhiều giờ. Công việc nhiều lắm anh ạ !

- Gì mà dữ vậy em, em nghỉ mệt một chút đi. Em có muốn nghe bản Tuyết Trắng anh vừa thu xong không ?

- Dạ vâng, em muốn nghe lắm !

Tôi nghe tiếng anh nói chuyện với anh em ở phòng thu, một lúc sau, tôi nghe bản nhạc bắt đầu?

Hết bản nhạc, anh cho tôi nghe thêm bản Tuyết Trắng do anh hát lại lần thứ hai. Sau khi nghe xong bản nhạc do anh hát hai lần, anh hỏi tôi:

- Em thích bản nào nhất ?

- Em thích bản thứ hai, vì lần thứ hai anh hát nhuyễn hơn, dịu dàng hơn, mượt mà hơn, bản nhạc đầu em nghe tuy rằng cũng khá hay nhưng hơi cứng, và hơi rời rạc một chút. Anh nên bảo họ chọn bản nhạc thứ hai đi anh à !

Khuya hôm ấy anh mang về một băng cassette có bản nhạc mà anh vừa thu hai lần. Chúng tôi nghe đi nghe lại rất nhiều lần cho đến 2 giờ30 sáng.

Ðối với tôi thì có lẽ bản nhạc này có một chút kỷ niệm gì đó cho cuộc tình của chúng tôi, vì từ ngày tôi quen anh cho đến lúc bấy giờ, anh chưa từng hát một bản nhạc nào cho bất cứ một trung tâm băng nhạc nào hay cả cho chính CD của anh.

Có một lần khi vừa mới quen anh, tôi hỏi anh :

- Tại sao em không thấy anh xuất hiện thường xuyên trên các băng video của các trung tâm băng nhạc lớn ?

Anh hơi buồn và trả lời rằng :

- Anh không được họ mời, cho nên anh ít xuất hiện. Chừng nào người ta mời, thì anh mới đi.

- Mà anh có muốn lên các show đó không ?

- Cũng tốt thôi, nếu người ta mời thì anh sẽ lên !

Lúc ấy tôi cảm thấy thương xót anh vô cùng. Anh có vẻ cô đơn, cần một hoạt động văn nghệ gì đó để đem anh gần với các bạn nghệ sĩ của anh hơn và để đem anh ra khỏi sự buồn tẻ, lẻ loi.

Ðã nhiều lần, tôi muốn làm một sản phẩm nghệ thuật nào đó cho anh, chẳng hạn như một băng video ca nhạc để đời, nhưng rồi lại thôi vì không có khả năng tài chính.



Sáng sớm hôm sau tôi gọi cho Minh Phượng và nói cho Phượng biết rằng anh cần một bộ đồ bay Không Quân để mặc ngày trình diễn, Phượng tức thì liên lạc với một cựu sĩ quan Không Quân cô quen biết và vị cựu sĩ quan này có nhã ý cho anh Sĩ Phú mượn tạm bộ đồ bay của ông ta, nhưng rất tiếc, bộ đồ bay rất chật so với dáng cao lớn của anh Sĩ Phú, mặc dù lúc ấy anh Sĩ Phú rất ốm yếu, gầy còm. Nhưng anh cất giữ những miếng phù hiệu của các đơn vị Không Quân để về sau nếu cần, gắn vào bộ đồ bay để tạo nên một chút ít màu sắc và trung thực hơn là một bộ đồ bay mà không có phù hiệu của đơn vị.



Hôm sau anh phải đi tìm mua một bộ đồ. Rất là cực khổ để tìm một tiệm buôn bán quân nhu. Anh phải lục lọi, tìm kiếm trong điện thoại niên giám mãi mới tìm được hai tiệm chuyên bán những đồ phế thải của quân đội. Anh lái xe đi thật xa để mua bộ đồ bay ấy.

May mắn cho anh, họ còn một vài bộ, nên anh tìm được bộ đồ bay mới tinh, vừa khít và khá đẹp. Anh mua thêm một cái áo khoác ngoài, một sợi dây buộc bụng, một đôi giầy, nhưng không tìm ra được một cái nón phi công để đội. Anh đi suốt ngày hôm ấy, từ sáng đến chiều để tìm mua cái nón phi công, nhưng không tìm ra. Hôm sau anh lại về lại San Jose vì có chuyện gấp, việc tìm kiếm cái nón bị dở dang.



Tôi giúp anh đi tìm mua cái nón đó.

Lần này, tôi tìm được một tiệm chuyên bán đồ quân nhu vừa cũ và mới ở tận thành phố San Pedro, cách nhà tôi 50 dậm. Vì kẹt xe nên tôi và đứa con gái nhỏ của tôi phải mất một tiếng đồng hồ mới đến nơi. Chưa từng bao giờ để ý cái nón của phi công là như thế nào, nghe anh tả trong điện thoại, tôi mang máng hình dung ra cái nón phi công tương tự như một cái nón mô tô, nhưng thanh thanh và kiểu cách hơn.



Ðến nơi, tôi gọi điện thoại cho anh, hỏi anh rất kỹ và tả sơ cho anh biết những cái nón mà họ có trong tiệm. Tôi lục lọi trong đống nón của họ để tìm một cái nón như anh tả, nhưng tất cả đều không phải. Tất cả đều là những cái nón bình thường. Rồi tôi lại tìm cùng hết trong tiệm, mà vẫn không được cái nào.

Sau cùng thất vọng quá, tôi trở về đống nón đầu tiên mà tôi đã tìm, moi lên được một cái nón trắng mà tôi nghĩ là nón phi công. Tôi hỏi người chủ tiệm, ông ta nói đúng là nón phi công. May mắn thay nó lại đúng màu anh cần, nhưng rất tiếc cái nón quá cũ, trầy trụa xấu xí, dây nón bị sút ra tòng teng, nhìn xem không đẹp đẽ chút nào.

Người chủ tiệm đòi 160 đô la cho cái nón này.

Tôi mở to mắt nhìn ông ta:

- Ông nói gì, cái nón cũ rích như cái nón này mà là 160 đô la ? Ông có nói lầm không ?

Ông ta nói:

- Không, tôi không lầm đâu, những cái thứ này bây giờ chúng tôi không thể nào tìm được nữa. Nhưng nếu cô mua nó, thì sau khi xài xong, cô có thể đem bán lại cho chúng tôi phân nửa giá tiền, chúng tôi sẽ mua lại nếu có biên nhận của tiệm chúng tôi.

Sau khi gọi anh để nói chuyện về cái nón này, tôi nhờ ông chủ tiệm gọi điện thoại giúp tôi tìm một cái nón như vậy ở những tiệm khác. Họ cũng mau mắn và tận tình giúp tôi. Họ gọi hai ba cửa tiệm, không tiệm nào có bán nón phi công. Nhưng khi gọi đến tiệm cuối cùng, họ bảo có bán nón phi công cũ, và giá tiền cũng không rẻ hơn bao nhiêu. Tôi bằng lòng mua cái nón này với giá 160 đô la để khỏi phải đi xa tìm tòi vô ích.

Tôi mừng là đã tìm được cái nón cho anh, vì anh rất muốn cầm cái nón này lúc ca, nếu không thì anh sẽ cảm thấy trơ trẽn và trơ trọi lắm.

Tối hôm đó, tôi lau chùi sạch sẽ, rồi đánh bóng cái nón cho anh. Tôi lui cui làm việc suốt đêm, cái nón quá cũ mà lại xệu xạo, hư tới hư lui, dây nón sút ra? tôi loay hoay mãi và sau cùng rồi cũng xong. Xem ra, cái nón phi công của anh lúc này tương đối đỡ hơn lúc mới mua nhiều, nó sạch sẽ hơn và trông cũng đẹp ra phết. Tôi rất vui mừng, gọi điện thoại cho anh biết. Anh rất xúc động cảm ơn tôi rất chân thành:

- Anh cảm ơn em rất nhiều. Tội nghiệp em tôi quá, nếu không có em thì không biết anh sẽ ra sao. Hồi chiều hai mẹ con em lái xe đi xa để đi mua nón cho anh, làm anh lo lắm, anh cầu nguyện rất nhiều cho em và Crystal (con gái của tôi) , anh cứ nơm nớp lo sợ em bị tai nạn, anh lo lắm.

- Em cảm ơn bố đã lo cho em, nhưng bố đừng lo cho em nữa, em lái xe nghề lắm mà !

- Nghề thì nghề, nhưng em lái xe cao bồi lắm, đôi khi anh lo cho em mà mất ăn, mất ngủ !

Tôi kiếm một cái thùng giấy, gói cái nón lại cẩn thận, bỏ vào thùng và sáng hôm sau, trước khi đi làm, tôi đi ra bưu điện gửi cái nón lên cho anh.

Anh nhận được cái nón hai ngày sau đó, anh rất mừng gọi tôi cho biết và một lần nữa, anh cảm ơn tôi.

Vài ngày sau, vào một buổi sáng anh kêu nhức đầu và không khỏe trong người, buổi chiều anh bị nóng đầu và nửa đêm thì bị sốt cao đến gần 102 độ.

Tôi lo lắng cho anh vô cùng, tôi trách khéo anh:

- Khổ quá đi thôi, anh ở trên đó thì em làm được gì cho anh bây giờ ? Ngày mai em sẽ lên đó để chăm sóc anh.

- Không sao đâu cưng, anh sẽ khỏi, sắp đi show rồi, không lẽ anh bệnh sao ? Em đừng lên làm gì, anh bị bệnh ai đi đón em ? Phiền lắm !

- Thì em kêu tắc xi đi chứ gì ! Anh ơi thiếu gì cách. Anh đã uống thuốc chưa ?

- Anh uống hai ba loại thuốc rồi, một chút nữa thuốc sẽ làm cho anh ngủ, em đừng lo cho anh nhé !

- Lo chứ sao không lo, không lo cho anh thì còn lo cho ai bây giờ ? Anh à, nếu anh có cần gì, gọi cho em liền nhé cưng ! Thôi ngủ đi anh, em hy vọng tối nay thuốc sẽ giúp anh bớt sốt và ngày mai thức dậy, em hy vọng anh sẽ đỡ bệnh. Ngày mai em lên thăm anh.

Sau khi nói chuyện với anh xong, tôi gọi điện thoại đặt mua vé máy bay để lên thăm anh ngày hôm sau, vì mua quá cận ngày, vất vả lắm tôi mới dành được một chỗ trên chuyến bay khoảng 11 giờ trưa.

Chín giờ sáng anh gọi tôi giọng còn ngái ngủ, anh cho biết đã đỡ rất nhiều nhờ uống thuốc hạ nhiệt. Thuốc làm anh ngủ suốt đêm sau khi nói chuyện với tôi hôm qua.

Khi cho anh biết tôi sửa soạn ra phi trường, anh vội bảo:

- Em nên đi làm đi, đừng vì anh mà bỏ công việc sở, em rất bận mà. Vả lại anh cũng đã đỡ lắm rồi. Hôm nay nhiệt độ của anh hạ còn 99 độ 7. Từ giờ đến chiều thì có lẽ anh sẽ đỡ hơn. Em nghe lời bố đi cưng. Ði làm đi.

- Anh không muốn em lên trên đó để săn sóc cho anh sao ?

- Anh lúc nào cũng muốn gặp em và được em săn sóc cho anh. Việc đó quý vô cùng. Nhưng anh nghĩ em không cần thiết phải lên. Nhà chật chội, chị Út giữ vài ba đứa trẻ trong nhà, ồn ào náo nhiệt từ sáng cho đến khuya, em không thích đâu, em lên đây anh không có chỗ cho em ở và anh cứ phải lo cho em thì anh còn bệnh nặng hơn.

Tuy anh nói vậy, nhưng tôi biết rõ cái lý do tại sao anh không muốn tôi lên.

- Thôi, nếu anh nói như vậy thì em sẽ không lên. Em sẽ gọi họ để cancel vé máy bay vậy.

Tôi có cảm tưởng là anh buồn lắm.

- Em đừng giận anh nhé, Ngọc Lan ! Em nên để dành tiền. Sau khi đi Canada về, anh sẽ xuống thăm em.

- Em không giận anh đâu, cưng à. Nhất là lúc anh bệnh mà không muốn phiền đến em thì em càng thương anh hơn. Bất cứ khi nào anh có cần em thì cứ gọi em, anh nhé !

- Cảm ơn em. Thôi bây giờ để anh ngủ thêm một tí nhé.

- Anh ráng ngủ nhiều đi anh nhé. I love you.

- I love you too, cưng !

Hai ngày sau đó, trong lúc vẫn còn bệnh dù có thuyên giảm đôi chút, anh bay sang Canada để thu hình cho bản nhạc Tuyết Trắng trong cuốn video Những Tình Khúc Mùa Chinh Chiến của trung tâm Asia.

Lúc trở về California, anh đi xuống thẳng quận Cam để thăm tôi. Vào lúc này thì anh chịu cho tôi đi ra phi trường đón anh.

Quả thật, những sự đau buồn, lo lắng thái quá về ba đứa con của anh, về người tình cũ không còn ở với anh, sự cô đơn vì đời sống không có tôi. Những bứt rứt và sự chịu đựng đã dằn vặt anh, những sự ăn uống rất bất thường của anh, ngần ấy đã làm cho anh yếu đuối, bệnh hoạn, xơ xác, tả tơi. Anh ốm tong teo, dù anh không xanh xao mấy, nhưng vẻ mệt mỏi, lo buồn vẫn còn hằn trên gương mặt anh.

Quý khán thính giả đã nhìn thấy hình ảnh này trên video mà anh xuất hiện lần cuối cùng với trung tâm Asia.

Anh không cười khi thấy tôi, nhưng nét mặt anh rạng ngời chan chứa thương yêu khi anh nhìn tôi. Tôi mừng rơi nước mắt chạy tới ôm chầm lấy anh, âu yếm hỏi:

- Bố đi máy bay có mệt không ?

Anh ngừng lại hôn trên tóc tôi, trả lời:

- Không, anh không mệt. Ði máy bay thường lắm rồi. Có gì lạ không em ? Em có gặp Crystal không ? Hôm nay Crystal không đi đón anh à ?

- Dạ thưa anh em có gặp con rất thường. Hôm nay Crystal đi chơi softball rồi anh ạ !

Rồi tôi khoe với anh:

- Crystal chơi thể thao rất khá anh ạ ! Nó rất giỏi về cả hai bộ môn khúc côn cầu và bóng rổ và nó lại học giỏi nữa. Con bé đã được nhiều báo chí trong đó có tờ LA Times, tờ OC Register phỏng vấn và nói về nó như một thiên tài thể thao.

Anh sung sướng mỉm cười :

- Anh biết mà, Crystal giỏi giống mẹ lắm ! Còn mẹ em như thế nào, mẹ có đỡ bệnh không em ?

- Mẹ thì không khỏe đâu anh, càng ngày càng yếu, tội nghiệp mẹ em lắm anh ơi !

Anh buồn bã, lặng thinh.

Tôi lái xe đưa anh về nhà.

Trên đường về nhà, tôi hỏi anh về chuyến đi Canada của anh. Anh bảo mọi việc bình thường. Tuy nhiên anh than phiền là ánh đèn sân khấu rất nóng trong màn trình diễn đã làm cho anh khó chịu, môi anh bị khô rát, người nóng ran lên, làm cho anh không được thoải mái khi đứng hát. Mỗi một bài ca thì quang cảnh phối trí phải dàn dựng rất công phu, chiếm rất nhiều thì giờ mà anh thì lại không khỏe trong người.

Tôi nói với anh:

- Em rất tiếc, nếu anh không thoải mái thì làm sao mà làm show hay cho được ? Vả lại, anh mới vừa hết bệnh mà!

Anh không nói gì cả.

Tôi hỏi tiếp:

- Anh có nhớ đem theo cái nón trắng với anh qua Canada không?

- Có, anh có đem theo và có dùng nó.

Vừa bước vào nhà, tôi cảm thấy anh có vẻ thoải mái hơn, tươi tỉnh hơn. Anh ôm tôi sát vào lòng anh, hôn tôi và tươi cười nói:

- I am home, Sweetheart. Home sweet home !

-Anh đã về nhà rồi em ơi ! Ôi ngôi nhà yêu quý !

Trước        Mục Lục       Tiếp