1

About Sĩ Phú

On The News

Album Collections

Memories

Special Events

Chiều Sĩ Phú

Đêm Ra Mắt CD

Những Gì Anh Hát

Thư Độc Giả

Hồi Ký: Biết Bao Giờ Nguôi

Contact Us

 

 

Trước        Mục Lục       Tiếp

Chương Mười Tám
Hung Tin

Rồi, cái gì phải đến, đã đến...

Chân trái anh càng ngày càng yếu, châm cứu không giúp được gì nhiều. Tôi dự định sẽ đưa anh vào nhà thương sau khi đi làm về vào ngày thứ sáu 16 tháng 4 năm 1999. Chúng tôi không còn muốn trị lòng vòng bên ngoài phí thì giờ của anh nữa.

Trưa thứ sáu, tôi có việc cần phải đi bưu điện, tôi xếp hàng chờ đợi rất lâu, mất hết 45 phút trong chuyến đi, đó là lần đầu tiên trong nhiều năm mà tôi không có mặt trong sở vào giờ ăn trưa.

Khi về đến sở, tôi nhận được một lời nhắn của anh trong máy, anh gọi tôi đúng vào lúc tôi bước chân ra đi đến sở bưu điện Irvine, giọng nói anh thật thảm thiết:

- Em ơi, em đâu rồi ? Anh nghĩ rằng anh bị stroke rồi, chân anh bị giựt khủng khiếp, giựt liên hồi. Nó làm anh bị té xuống thảm, đụng đầu vào tường và không còn cách nào đứng lên được nữa. Em ơi, em đâu rồi...

.... (tiếng thở mệt nhọc.. đau đớn)... Nếu em nhận được message này xin em về nhà ngay giúp anh....

Và lời nhắn thứ hai:

- Em ơi bây giờ em ở đâu ? Anh chờ em không được nữa, anh vừa mới gọi cho 911, anh nghĩ là anh bị stroke rồi đó em. Thôi, cho em biết...(giọng anh đứt khoảng, anh thở rất mệt nhọc)... Ngọc Lan ơi, em bây giờ em ở đâu ? Em đi đâu rồi ? Em có nghe lời anh nhắn không?

Tôi bàng hoàng khủng khiếp, đây là một cú điện thoại hãi hùng nhất trong đời tôi, những lời lẽ thống thiết kêu cứu của anh đã ám ảnh tôi trọn đời.

Tôi thấy tay chân tôi run lên, người tôi nóng ran lên nhưng rất lạ, lòng thì rất bình tĩnh. Hình như có ai vuốt ve tôi và đặt một bàn tay ấm áp lên đầu tôi. Tôi rời sở mà không kịp nói với ai hết. Tôi bình tĩnh lái xe về nhà.

Hai mươi phút sau đó tôi có mặt ở nhà. Cửa nhà đóng kín nhưng không có khóa, nhà vắng teo, không một bóng người. Họ đã chở anh đi nhà thương rồi. Họ đã vào nhà tôi để cứu anh bằng cách cạy cửa bên hông nhà. Ðồ đạc trong nhà bị dời đổi, tôi nghĩ có lẽ họ phải dọn đồ đạc trong nhà để lấy chỗ làm các thủ tục cứu cấp trước khi cho xe cáng vào nhà đưa anh ra... Tôi vội nhấc điện thoại lên, gọi tổng đài xin cho tôi nói chuyện với đơn vị cứu cấp đã đưa anh đi. Họ cho tôi biết là anh đã được đưa đến Placentia Linda Hospital cách nhà tôi 2 dặm rưỡi. Năm phút sau, tôi chạy vào phòng cứu cấp.

Anh trông có vẻ rất bình tĩnh và mắt anh sáng lên khi vừa thấy tôi. Lạ một điều, trông anh hồng hào khỏe mạnh và rất khôi ngô tuấn tú, khác hẳn với hình ảnh bệnh hoạn những ngày qua. Người ta đã vào nước biển và chích thuốc khỏe cho anh.

Tay chân anh chằng chịt những giây và những ống...

Tôi vội vàng hôn anh, ôm và an ủi anh, tôi sờ mặt anh, người anh, tôi ru anh, nói vào tai anh như một người mẹ vỗ về con thơ.

- Em xin lỗi anh, em rất hối hận. Em chưa từng bao giờ ra khỏi phòng làm việc bao năm nay, hôm nay lần đầu tiên em mới ra khỏi sở thì anh lại cần em. Anh thấy trong người như thế nào ? Tội nghiệp anh quá, anh bệnh nặng như vậy mà không có em bên cạnh, em hối hận quá...

Anh rất bình tĩnh:

- Em đừng tự trách, em làm gì và đi đâu thì cứ đi. Ðâu có phải là một cái lỗi đâu em ? Bệnh hoạn nó đến bất thình lình thì phải chịu thôi. Em đâu có lỗi gì đâu mà xin lỗi cưng? Người ta đang chụp quang tuyến, CAT scan và thử máu của anh xem anh bị bệnh gì. Có lẽ sắp xong rồi đấy. Người ta có ý chờ em vào để nói chuyện, vì anh bảo họ đợi em.

- Họ vào nhà có đông không anh ? Họ có trấn tĩnh anh không?

- Có, đông lắm, hơn mười người.

Vị bác sĩ của anh đến giới thiệu và bắt tay tôi:

- Bà là vợ của ông Phú ?

- Vâng, tôi là vợ của anh ấy. Thưa ông, bệnh tình chồng tôi như thế nào ? Cái gì đã xảy ra cho anh ấy ?

- Xin mời bà ra ngoài để tôi có thể nói chuyện.

Tôi bước ra ngoài với vị bác sĩ, lòng phập phồng lo sợ, ông ôn tồn bảo tôi:

- Chúng tôi đã làm rất nhiều cuộc thử nghiệm, ông nhà bị một cục bướu rất độc trên đầu. Chính cục bướu này là nguyên do tại sao chồng của bà bị động kinh ngày hôm nay. Chồng bà rất mạnh và may mắn lắm, vì khi bị động kinh mạnh như vậy, trái tim có thể bị ngừng đập và bệnh nhân rất dễ chết. Nhưng chúng tôi đã không ngừng ở đây, chúng tôi truy tầm ra thêm nguyên do nào đã gây ra cục bướu trên đầu, ông chồng bà bị ung thư phổi, và từ đó ung thư phổi chuyền lên trên óc của ông nhà. Lá phổi mặt của ông bị ung thư rất nặng, lá phổi trái rất hoàn toàn, không bị gì hết. Chúng tôi cũng đã truy tầm cùng hết người ông ấy xem còn gì lạ nữa hay không, nhưng tuyệt nhiên không chỗ nào hề hấn, lá gan của ông chồng bà rất là hoàn hảo và tốt như một lá gan của đứa bé. Không một chỗ nào bị bệnh trừ lá phổi mặt.

Tôi lặng người đi, không thốt nên lời.

Tôi nghe hình như mưa gió bão táp phủ lên đầu tôi...

Nghẹn ngào rơi lệ, mắt tôi đỏ hoe, tôi nhìn ông bác sĩ:

- Thế loại ung thư này có thể chữa được không thưa bác sĩ ?

Ông buồn bã lắc đầu:

- Ðây một loại ung thư phổi cực mạnh và rất nguy hiểm. Chúng tôi chỉ có thể chữa cho ông thôi để kéo dài ngày tháng, nhưng không trị hết được.

- Thế ông có biết là chồng tôi đã bị ung thư lâu chưa và đến thời kỳ thứ mấy rồi ?

- Ông đã đến thời kỳ trầm trọng nhất, thời kỳ thứ tư, là thời kỳ cuối cùng. Có lẽ ông chồng bà đã bị rất lâu rồi. Tùy theo cơ thể, có nhiều khi nó kéo dài vài năm một cách âm thầm trước khi bộc phát.

Ông hỏi tôi:

- Chồng của bà có từng hút thuốc không ?

- Lúc trước anh ấy có hút, nhưng rất ít, một gói thuốc phải hơn cả tuần lễ mới hết. Nhưng từ ngày quen tôi đến giờ anh ấy đã bỏ thuốc.

Ông nhìn tôi, hỏi một câu tôi không ngờ nhất:

- Ông và bà có hạnh phúc không ?

- Chúng tôi rất hạnh phúc, nhưng tại sao ông lại hỏi tôi như vậy?

- Vì sự lo buồn thái quá, sự khổ sở, áp lực trong đời sống, ăn uống bất thường, nói tóm lại một đời sống không bình thường, buồn khổ cũng có thể là một nguyên nhân gây ra ung thư. Vì ung thư là nơi tập trung những chất độc trong cơ thể. Stress tạo ra rất nhiều độc tố, nó tồn trữ trong cơ thể, rồi lần lần, tùy theo môi trường và tình trạng cơ thể, nó biến thành ung thư.

Tôi hỏi ông rất nhiều câu hỏi khác nữa, vị bác sĩ chịu khó giảng giải cho tôi nghe.

Sau cùng tôi hỏi ông một câu đầy đau khổ :

- Theo như những gì ông thấy hôm nay và kinh nghiệm của ông, ông nghĩ là chồng tôi sẽ sống thêm bao lâu nữa?

- Rất khó để nói, nhưng bệnh tình của ông rất nặng, có thể nó kéo dài 3 cho đến 4 tháng, có thể không.

Ông nói thêm một câu làm cho tôi đau lòng hơn:

- Chồng bà bị bệnh rất nặng. Tôi chưa bao giờ tiếp một bệnh nhân nào mà bị bệnh nặng như vậy, ông bị không phải ở một chỗ, mà là ở hai chỗ. Nếu chỉ ở phổi mà thôi, thì còn có thể trị được, nhưng một khi đã lên đến óc rồi thì rất khó trị vì tế bào ung thư đã đi vào máu.

Tôi buồn tê tái, tim tôi se thắt lại. Trời ơi, tôi không ngờ. Sự thật quá phũ phàng, đau đớn. Tôi sắp sửa mất anh, người tôi yêu quý nhất trên đời. Thính giả của anh sắp sửa mất đi một người ca sĩ họ yêu quý. Gia đình anh sắp mất một người em yêu, con anh sắp xa bố vĩnh viễn. Tôi nghẹn ngào không nói nên lời. Người tôi nóng ran lên. Ðầu tôi hoa lên.

Tôi chạy vào phòng anh, đưa một tay ôm choàng lấy anh, một tay tôi nắm tay anh thật chặt, tôi áp má vào má anh, trong tư thế con gà mái bảo vệ cho gà con trước móng vuốt của diều hâu.

Chúng tôi lặng thinh rất lâu, tôi không nói nên lời.

Một lúc sau, vị Bác sĩ Mỹ đến cạnh giuờng nói chuyện với anh:

- Ông Phú, tôi mới vừa nói chuyện xong với vợ ông, chúng tôi đồng ý nói ra cho ông biết, tôi rất buồn, là ông đã bị bệnh ung thư phổi đến thời kỳ trầm trọng nhất. Cái bướu trên đầu của ông là do di căn mà ra.

Anh Sĩ Phú không ngạc nhiên, không hốt hoảng, anh rất bình tĩnh lắng nghe, anh hỏi:

- Ông có chắc như vậy không ?

- Tôi chắc chắn như vậy.

Rồi ông nói về bệnh tình của anh.

Anh nằm nghe nhưng không có phản ứng gì ghê gớm hết. Anh rất bình tĩnh và can trường chấp nhận tin buồn.

Mặt anh rất hồng hào, tươi tỉnh, không lộ vẻ lo sợ gì cả.

Khi vị bác sĩ đi rồi. Anh với nắm tay tôi:

- Anh không sợ chết. Ðời người ai rồi cũng phải đi qua một lần, điều làm anh lo là em sẽ phải chịu đựng khổ sở trong những ngày tháng sắp tới vì anh. Anh không muốn Lan khổ cực vì anh.

- Anh đừng bao giờ lo nghĩ về chuyện đó. Em không bao giờ sợ phiền hà. Em sẽ lo cho anh, em không sợ khổ cực. Anh nhớ không, em đã nói với anh là em sẽ không bao giờ bỏ anh, nhất là trong lúc này, em lại càng thương anh hơn, anh đừng lo nghĩ gì hết nữa, hãy để lòng yên tịnh để chữa bệnh.

Tôi chắc lưỡi, cố nén buồn bã nhìn anh:

- Tội nghiệp anh quá đi thôi, trời ơi, anh là người hiền đức nhất trên đời này, tại sao lại vướng hết đau khổ này đến đau khổ nọ. Rồi bây giờ đến căn bệnh hiểm nghèo này. Trời cao quả vô cùng bất công.

Tôi không dám gục đầu khóc trước mắt anh, nhưng nước mắt của tôi đã dâng đầy. Người tôi tê dại đi...

Chúng tôi yên lặng, anh nắm chặt lấy bàn tay của tôi, tôi đưa tay còn lại vuốt ve mặt anh, tóc anh, tôi sờ vào người anh, tôi yêu quý nâng niu từng thớ da thịt anh.

Lạ thật, chưa bao giờ tôi thấy anh bình tĩnh, dễ thương và đáng quý như vậy. Anh không sợ sệt, lo âu, không hốt hoảng, khổ sở. Anh chấp nhận tin buồn một cách thản nhiên như anh đã từng thản nhiên chấp nhận số phần cô lẻ, đau buồn âm thầm trong suốt cuộc đời anh.

Tối hôm đó họ đưa anh từ phòng cấp cứu qua phòng khác. Căn phòng mới rất rộng, có hai cái giường, một cái dành cho anh, cái kia còn để trống.

Tôi nói với nhân viên nhà thương là tôi sẽ ngủ đêm ở giường trống đó để canh chừng anh, họ bằng lòng ngay.

Suốt đêm hôm đó, tôi lo lắng, săn sóc anh như một người mẹ săn sóc đứa con thơ. Bất cứ khi nào anh cần gì, là tôi đem đến cho anh ngay.

Họ vô nước biển cho anh suốt đêm nên anh thường xuyên đòi đi tiểu. Tôi chạy đi xin 2 cái bình đựng nước tiểu để thay đổi và giúp anh trong việc tiểu tiện. Xong xuôi tôi xin giấy sạch ngâm nước nóng để lau chùi thật sạch cho anh.

Chúng tôi nói chuyện rất bình thường, cả anh lẫn tôi đều không muốn nghĩ về nhiều về căn bệnh mới khám phá của anh. Suốt đêm tôi ngủ chập chờn, không sao yên giấc được vì khi vừa chợp mắt, thì các cô y tá đã lạch cạch đem những máy móc vào để kiểm soát và theo dõi bệnh tình của anh. Cứ khoảng mỗi một tiếng đồng hồ là có người vào để làm những thủ tục săn sóc bệnh nhân khác nhau. Họ làm việc như một cái máy. Họ có vẻ như không cần biết là bệnh nhân rất cần ngủ và nghỉ ngơi, dù sao đi nữa, đây là giờ làm việc của họ mà.

Bốn giờ sáng hôm sau, trong lúc anh còn ngủ say, tôi ra ngoài căn dặn các cô y tá là tôi phải về nhà và nhờ họ săn sóc nhìn chừng anh thay tôi, rồi ra đi. Tôi về tắm rửa và thay quần áo giản dị, thu xếp nhà cửa lại cho gọn, và lấy những đồ vật gì anh cần bỏ vào một túi thật lớn để mang đến cho anh.

Gần năm giờ sáng, tôi đem xoài ra để gọt sẵn cho anh ăn, lấy vài chai nước suối bỏ vào bịch giấy vì tôi không muốn anh uống nước phông tên ở nhà thương. Tôi đem cả ly tách muỗng nỉa bằng giấy vì tôi không muốn anh dùng lại cái cũ, tôi sợ anh bị nhiễm trùng. Tôi đem khăn thật sạch vì không muốn anh xài khăn ở nhà thương. Tôi đem lược chải đầu, bàn chải và kem đánh răng. Rồi hối hả trở lại. Trên đường đến nhà thương, tôi ghé mua một hộp giấy ướt lau cho em bé để dành cho anh bất cứ lúc nào cần.

Anh không chịu được sự xa vắng tôi dù chỉ là một hai tiếng đồng hồ. Anh đã thức giấc, vừa nghe tiếng chân của tôi bước vào là mắt anh sáng lên. Mặt anh tươi ra.

- Em về nhà thay quần áo và đem đến cho anh một mớ đồ dùng. Em cũng có đem xoài ngọt đây, một chút nữa em sẽ đút cho anh ăn nhé cưng ! Anh ngủ ngon không ?

- Suốt đêm anh chỉ ngủ chập chờn, mấy giờ rồi em ? Em đi về nhà hồi nào ?

- Em về cách đây hai tiếng. Bây giờ gần 6 giờ sáng rồi anh à, còn sớm lắm, anh hãy ngủ thêm đi !

Anh bảo tôi:

- Em đi ngủ chút nữa đi, suốt đêm em không ngủ được, sáng lại đi sớm, coi chừng bị bệnh.

Bên ngoài hành lang bắt đầu nhộn nhịp, nhân viên nhà thương thay ca, họ chạy tới chạy lui nói chuyện lao xao.

Tôi đi ra đóng cửa phòng lại, đến ngồi cạnh bên mép giường anh. Anh xích qua một bên cho tôi ngồi vào trong một chút. Tôi kéo chăn đắp lên người anh, dịu dàng hỏi:

- Anh thấy trong người như thế nào ? Anh có đau đớn gì không anh ?

- Ngày hôm qua anh bị động kinh khủng khiếp như vậy nên cảm thấy yếu đi. Chân trái của anh hoàn toàn bị tê liệt. Anh không thể nào giở nó lên. Cả một nửa thân người bị liệt luôn, anh không còn sử dụng phía bên trái của anh được nữa.

Tôi ôm chân anh, vỗ nhè nhẹ:

- Tội nghiệp bố quá ! Nhưng không sao đâu anh, em nghĩ là phương pháp vật lý trị liệu bây giờ cũng khá lắm, họ sẽ giúp cho anh cử động lại bình thường được. Anh ráng lên cưng.

Tôi ngồi xổm trên giường anh để giúp anh làm một vài cử động, nhưng rất khó khăn, vì chân tay anh bây giờ chỉ là một khối thịt không còn cảm giác gì nữa.

Thấy anh có vẻ mệt mỏi, tôi đành ngừng lại và nói:

- Không biết hôm nay họ sẽ làm gì cho anh đây. Họ có bắt đầu trị liệu cho anh chưa ? Em nghi quá, thứ bảy chủ nhật chắc không có trị liệu gì đâu, có lẽ họ chỉ cho anh uống thuốc thôi, dù gì thì cũng phải chờ đến thứ hai.

Tôi nói không sai, tám giờ sáng một vị bác sĩ khác bước vào.

Ông ta giới thiệu là bác sĩ về thần kinh. Cũng như vị bác sĩ cấp cứu đêm qua, ông hỏi tôi:

- Bà có phải là vợ của ông Phú không ?

Tôi trả lời:

- Thưa phải, tôi là vợ của anh ấy.

Ông cho chúng tôi biết:

- Tôi là bác sĩ về thần kinh được bệnh viện giao phó ông cho tôi. Tôi đã được xem kết quả của CAT scan người ta chụp tối hôm qua. Như bà đã biết, ông nhà bị một bướu độc trên óc bên tay phải. Cái bướu này to bằng khoảng đồng tiền 25 xu. Sức ép của cái bướu này tác động vào thần kinh và gây ra cơn động kinh ngày hôm qua. Chúng tôi đang thảo luận với nhau xem cách nào tốt nhất giúp ông. Chúng tôi sẽ cho ông dùng Dylantin để giúp kiểm soát và làm ngưng sự động kinh. Khi uống thuốc này hy vọng ông sẽ không bị động kinh nữa cho đến khi người ta có phương pháp trị liệu chính cho ông.

- Chừng nào người ta sẽ cho anh ấy uống ?

- Người ta đã cho tối hôm qua, nhưng tôi sẽ bảo họ cho liều mạnh hơn hôm nay.

Tôi hỏi ông ta:

- Chừng nào người ta sẽ bắt đầu trị liệu cho chồng tôi ?

Ông bác sĩ lắc đầu:

- Thật sự tôi không biết khi nào. Hôm nay là thứ bảy, nếu có gì thì cũng phải đợi đến thứ hai.

- Tôi rất tha thiết muốn thấy chồng tôi được trị bệnh càng sớm càng tốt. Xin ông nói cho họ biết.

- Bà yên chí, tôi sẽ nói với họ, nhưng tôi biết chắc sẽ không có gì xảy ra cho đến thứ hai. Hiện tại nhà thương chỉ có bác sĩ trực cho các ca cứu cấp thông thường mà thôi. Họ không có bác sĩ chuyên môn trong những ngày cuối tuần.

Ông cáo từ chúng tôi sau khi gọi cô y tá dặn dò.

Còn lại mình anh và tôi, tôi lấy một cái chăn sạch đem theo từ nhà trải xuống mặt giường và định nằm xuống một chút để nghỉ lưng. Ðang lui cui trải chăn thì nhân viên bệnh viện mang thức ăn sáng cho anh. Thế là tôi dẹp cái chăn qua một bên.

Tôi vội vàng đỡ lấy mâm cơm từ tay cô.

- Em sẽ đút cho anh ăn nhé ! Anh có muốn ăn bây giờ không ?

- Không, anh không muốn ăn bây giờ, anh chưa đói. Em hãy ngủ thêm một tí nữa đi.

- Trưa ngày hôm qua đến giờ anh đâu có ăn gì đâu. Em biết anh đói lắm, nhưng anh thương em, muốn em ngủ thêm phải không ? Anh yên chí, dù ngủ rất ít, nhưng em rất khỏe, không sao đâu anh à !

Tôi điều chỉnh cho đầu giường dựng đứng lên, giúp anh ngồi ngay ngắn, lấy một khăn ăn phủ lên ngực cho thức ăn khỏi rơi rớt lên người anh. Tôi đứng cạnh giường nói:

- Em đút cho anh ăn nhé !

- Anh có thể tự ăn được, anh dùng tay phải, em đi ngủ đi, please em. Nghe lời anh đi ngủ đi.

- Trời sáng rồi, em đâu còn ngủ nghê gì được ? Em trải chăn sẵn để khi nào muốn nằm thì nằm mà.

Anh buộc lòng nhờ tôi đưa bàn chải đánh răng trước khi ăn. Răng anh rất tốt, đều đặn, không có hư một cái nào. Anh đánh thật kỹ, tôi cầm thau nước cho anh.

Rồi tôi gắp thức ăn cho anh, món ăn sáng ở nhà thương rất nhạt nhẽo, gồm món trứng chiên trộn nhỏ, một miếng bánh mì nướng, một miếng mứt, ly cà phê, và một lọ nước trái cây. Tôi lần lượt đút hết thức ăn cho anh. Anh ăn uống rất dễ, ăn hết những thức ăn trong cái khay một cách nhanh chóng và ngon lành. Tuy nhiên anh đã không đụng tới ly cà phê.

- Thương anh quá đi thôi, có lẽ anh đói lắm ! Anh có muốn ăn gì nữa không ? À... em sẽ cho anh ăn xoài.

Tôi mở gói lấy hộp xoài ra đút cho anh ăn từng miếng. Anh muốn tôi chia sớt cùng anh. Tôi chiều anh, ăn một vài miếng xoài. Xong xuôi, tôi dọn dẹp sạch sẽ nơi anh nằm. Tôi đi lấy khăn sạch ngâm nước nóng lau mặt, lau người cho anh rồi giúp anh nằm xuống cho thoải mái.

Bấy giờ anh mới bắt đầu kể những gì đã xảy ra hôm qua trước khi cấp cứu vào nhà mang anh đi. Anh nói:

- Hôm qua anh dậy trễ, vào phòng vệ sinh rửa mặt, đánh răng, khi trở ra để về giường ngủ, thì bỗng nhiên chân trái của anh bị giật liên hồi. Càng lúc giật càng nhiều, giật khủng khiếp, tim anh gần như sắp ngưng đập vì sự chấn động tột cùng. Rồi lần lần cả một bên trái của anh bị giật thật mạnh, sức mạnh của cơn động kinh này làm cho anh bị quật ngã nhào xuống đất. Ðầu anh bị đập vào tường và sau đó đập vào cầu thang. Mặc dù đã bị té ngã, anh vẫn còn bị giật liên hồi, rồi lần lần nó chuyền lên bụng, và cuối cùng lên vai, lên cổ anh. Khủng khiếp quá. Có khoảng 5, 6 phút sau thì mới bớt giật, và tổng cộng cũng phải gần 2, 3 phút sau thì mới hoàn toàn bình thường lại. Nằm ở trên nền nhà lạnh, anh cố gắng trổi dậy nhưng hoàn toàn bị tê liệt, nhất là phân nửa người bên trái không còn cử động được nữa. Anh không biết làm sao kêu cứu. Anh ráng lê lết bằng phân nửa cơ thể bên kia để vào phòng trong dùng điện thoại gọi em. Nhưng anh đã không di chuyển được. Anh phải cố gắng trườn tới, dùng tay mặt nắm lấy cọng thảm gần thang lầu thật chặt, rồi trườn tới dần dần. Trườn đến đâu thì anh nắm chặt lấy cọng thảm phía trước để lấy trớn mà trườn tới...Phải mất khoảng 40 phút anh mới vào được phòng trong. Thấy cái TV remote control trên bàn mà cứ tưởng là điện thoại, anh mừng quá, hướng về phía ấy, ngờ đâu không phải, nên anh lại tốn thêm khoảng 7 phút nữa mới lết được đến chỗ để điện thoại. May phúc cho anh điện thoại để ở dưới thấp, chứ trên cao thì không cách nào với tới, có lẽ sẽ nằm chờ chết chứ có ai biết anh ở trong này đâu mà vào cứu.

Tôi vô cùng xúc động lắng nghe những gì anh kể. Tôi ân hận là đã không về nhà kịp thời để cứu anh. Tôi tưởng tượng anh đã trải qua một kinh nghiệm hãi hùng, vô cùng nguy kịch chỉ một mình mà không có một người nào ở gần bên cạnh để trấn tĩnh và xoa dịu nỗi đau lúc đó.

Tôi đến bên giường, nắm tay anh, xoa xoa bàn tay, an ủi anh.

- Tội nghiệp bố quá, nghe bố kể mà em rất đau lòng. Thôi qua rồi giây phút hãi hùng. Cầu mong từ nay bề trên độ bố để bố được khỏi bệnh.

Rồi anh lại khắc khoải:

- Xe cứu thương đến đông lắm, còi hụ inh ỏi làm náo động hàng xóm, anh vẫn còn bứt rứt khó chịu lắm vì đã làm phiền người ta !

- Trời ơi, anh khéo lo xa, khi anh bệnh hoạn, người ta đâu ai trách anh. Ðâu có ai phiền anh về những tiếng động đâu mà anh lo. Anh vì lo lắng nhiều quá mà sinh bệnh. Thôi anh à, vừa phải thôi chứ ....!!

Một người y tá bước vào, cô nói:

- Chào ông Phú, hôm nay ông thấy như thế nào, có đỡ hơn không ?

- Chào cô, tôi cảm thấy hôm nay đỡ hơn nhiều. Nhưng chân trái và cả một phần thân thể bên trái của tôi bị tê liệt, không thể nào cử động được nữa.

- Chúng tôi sẽ giúp ông. Vị bác sĩ sáng sớm hôm nay đến thăm ông đã có nói với chúng tôi về trường hợp của ông và có order một dụng cụ để giúp máu trong chân ông được lưu thông trở lại và giữ các bắp thịt tiếp tục hoạt động. Chứ nếu không thì chân ông sẽ bị teo lại vì không cử động và nằm suốt ngày trên giường bệnh. Chúng tôi sẽ giúp ông, họ sắp mang đến rồi đấy !

Tôi vui mừng cảm ơn cô y tá.

v Một lúc sau, một người y tá khác vào, mang cho anh những dụng cụ để chữa trị cho cả hai chân của anh. Ðó là một bộ bọc cao su màu xanh rỗng ruột, như một quả bóng, dài từ gót chân lên đến qua khỏi đầu gối khoảng hơn một tấc. Họ quấn bộ cao su này vòng quanh hai chân anh và nối liền bộ này với một cái máy nhỏ mà khi vặn nút lên, thì bộ cao su rỗng được cái máy bơm không khí vào và phồng to lên, rồi xẹp xuống. Và cứ thế, nó tiếp tục ôm sát và nới lỏng chân anh để làm những động tác xoa bóp chân. Cứ mỗi lần máy bơm không khí vào khoảng 2 phút, thì lại tự động nghỉ 3 phút. Rồi cứ thế tiếp tục suốt ngày. Mục đích của cái máy bơm không khí và bộ cao su này là để giữ cho các bắp thịt của chân anh được tiếp tục hoạt động để không bị suy yếu, và giúp máu ở chân anh được lưu thông điều hòa.

Sau khi cô y tá ra khỏi phòng, tôi quan sát, tự học cách tháo gỡ cái dụng cụ này cho chân anh để khi cần tự làm lấy một mình. Rất dễ dàng, không có một chút khó khăn gì cả.

Anh có vẻ thoải mái hơn từ lúc có cặp ống cao su gắn vào chân vì có lẽ nó cũng giúp phần nào sự hồi sinh lần lần của đôi chân, nhất là chân trái của anh.

Sau khi giúp anh ăn trưa xong, tôi phụ người y tá tắm cho anh. Khi cô y tá đi ra khỏi phòng, tôi ngồi trên giường bên cạnh anh, nhắc nhở một lần nữa:

- Anh nên gọi anh Bảo và chị Phúc để cho họ biết tin. Nếu anh không muốn gọi, cho em xin điện thoại của họ để em gọi giùm anh.

Lần nào anh cũng ngập ngừng về số điện thoại của anh Bảo và nói rằng anh không nhớ số điện thoại của chị Phúc.

Tuy nhiên, vì bị tôi hối thúc, sáng hôm ấy anh gọi cho gia đình anh chị Bảo để báo hung tin.

Sau này tôi mới hiểu sự thật, anh không nhớ số điện thoại của chị Phúc vì đã mấy năm rồi hai chị em không thường nói chuyện với nhau. Lần cuối cùng hai chị em gặp nhau cũng là những ngày cuối cùng của mẹ anh vào năm 1991. Nhưng không phải vì vậy mà hai chị em không thân nhau. Thật sự là hai chị em của anh rất thương yêu nhau và rất gần gũi nhau trong tư tưởng. Anh luôn luôn và lúc nào cũng nói về chị với sự thương yêu vô bờ của một người em trai dành cho người chị. Tôi nghe không biết bao nhiêu kỷ niệm đẹp mà anh và chị Phúc đã từng trải qua trong thời niên thiếu. Nhưng vì hai chị em sống quá xa nhau, người bên miền Ðông, kẻ bên miền Tây, sự liên lạc hình như rất ít. Nhưng anh biết, gia đình chị Phúc rất vững chắc, ít dời đổi. Nếu có gì thì chị sẽ báo tin, nên anh nghĩ lúc nào liên lạc cũng được. Anh là một người em sống rất có tình với người chị. Khi nghe kể về việc chị Phúc được hạnh phúc với gia đình, con cái, anh rất mừng, giọng anh kể về chị rất vui, và vững tâm. Khi nghe tin gia đình chị Phúc không được hòa thuận cho lắm, anh đổi vui thành buồn, lo lắng cho người chị phần số long đong. Sự vui buồn trong cuộc đời của anh bị ảnh hưởng rất nhiều từ đời sống của những người thân yêu.

Còn về phần anh Bảo, hai anh em không gần nhau lắm. Hồi nhỏ đã không thân với nhau rồi, lớn lên lại còn cách biệt hơn. Mỗi người mỗi một đời sống, tính tình cùng tư tưởng cũng quá cách biệt nên ít bao giờ tâm sự. Dù vậy, anh kể với tôi, là khi anh Bảo vừa ở Việt Nam sang, anh đã cố gắng làm tất cả những gì có thể làm để giúp ông anh được một đời sống ổn định và tạo cho anh một khung cảnh gia đình tương đối thoải mái gần như khi anh còn ở bên Việt Nam.

Dạo đó khi nghe anh kể lại, tôi đã khen tặng anh hết lời về tấm lòng quý báu của một người em đối với một người anh.

- Ít có người em nào như anh mà chịu hy sinh như vậy. Người ta giúp nhau, chia sẻ với nhau những gì người ta có thì đã là quý lắm rồi, đàng này anh không có, và có rất ít, mà anh lại chia sớt hết cho người anh, như vậy tình anh còn quý hơn nhiều. Em mong rằng anh Bảo sẽ hiểu được tình anh mà thương anh hơn. Hy vọng rằng hai anh em sẽ gần nhau và thân với nhau hơn.

Mỗi lần anh về quận Cam thăm tôi là luôn luôn ghé thăm gia đình anh Bảo trước khi trở về San Jose. Tuyệt nhiên, anh Bảo không bao giờ gọi anh Sĩ Phú ở nhà tôi. Anh không bao giờ nói với anh Bảo về tôi vì cô Châu người bạn cũ của Sĩ Phú và luôn cả ca sĩ KL đã có dịp tạo được một tình cảm khá thân với gia đình anh Bảo. Sĩ Phú lo sợ gia đình ông anh sẽ không hiểu hoàn cảnh của anh để có thể chấp nhận tôi.

Mà quả thực, sự lo âu của anh không sai chút nào. . . .

Ngày hôm sau, tôi gọi điện thoại cho Minh Phượng để báo tin. Cô là người đầu tiên tôi gọi từ lúc anh vào nhà thương. Phượng sửng sốt kêu trời. Cô xin được đi thăm anh, tôi hỏi ý kiến anh, anh lưỡng lự rồi chấp nhận. Tôi chỉ đường cho Phượng đến nhà thương. Một tiếng đồng hồ sau, Phượng đến.

Nhìn những giây ống chằng chịt và cái ống bơm không khí ở hai chân anh, Phượng ái ngại. Sợ tôi buồn nên Phượng an ủi tôi và anh. Nhưng chúng tôi không còn thì giờ nhiều để buồn lo. Tôi và anh sẽ chiến đấu. Chúng tôi nhất quyết sẽ chiến đấu với căn bệnh của anh cho đến cùng. Phượng khen anh Phú trẻ ra và có vẻ tươi tỉnh lắm.

Anh không có vẻ gì sợ sệt hay chán nản mà ngược lại, anh có vẻ phấn đấu. Cũng vì tính anh rất kỹ lưỡng và kín đáo, anh yêu cầu Phượng đừng thông báo gì nhiều về anh trên đài phát thanh vì anh không muốn ồn ào.

Anh nói với Phượng:

- Anh không có gì để che dấu ai cả, bệnh hoạn là chuyện không ai biết trước và không ai muốn. Trời kêu ai nấy dạ. Nhưng anh không thích cái gì ồn ào, anh luôn luôn thích sự yên lặng và riêng tư, âm thầm. Nếu phải cần thông báo, thì em nên nói sơ qua mà thôi, đừng có làm cho lớn chuyện. Em hiểu cho anh, Phượng nhé !

Phượng hứa sẽ làm như lời anh. Chính vì vậy mà trong suốt một năm rưỡi chữa bệnh, thính giả có ít dịp biết về anh. Cũng hay, một cái đài phát thanh như vậy mà lại chỉ nói vắn tắt vài ba chữ về anh rồi im kín cả năm trời vì một lời hứa thì quả thật Phượng đã là một người biết giữ chữ Tín.

Tôi đã từng nói với Phượng:

- Chị rất phục Phượng vì Phượng rất khôn khéo trong lời nói, trong lối xử thế, mà lại là một người đáng tin cậy nữa.

Phượng ở lại trò chuyện với chúng tôi khoảng một tiếng đồng hồ rồi về. Tôi tiễn Phượng ra cửa, hai chị em ngậm ngùi ... Phượng thương xót nhìn tôi.

Trở lại phòng của anh, tôi gọi cho Hoàng Trọng Thụy đài VNCR để báo tin và căn dặn:

- Tính anh Phú không thích ồn ào, nhất là bây giờ, anh cần sự yên tĩnh để dưỡng bệnh. Thụy nhớ giùm nhé !

- Chị yên tâm, Thụy sẽ làm y lời !

Rồi hai ngày cuối tuần qua đi thật nhanh, Tôi ở trong nhà thương với anh mà không có một chút rỗi rảnh để về nhà tắm gội thay quần áo. Sáng thứ hai tôi hỏi bác sĩ xem họ có dự định gì cho anh không. Nhưng họ không có dự định gì hết, họ còn đang bận rộn với bệnh nhân khác và luôn lúc nào cũng chờ đợi bác sĩ này, bác sĩ khác để quyết định.

Anh nói với tôi:

- Anh nghe người ta nói về một loại cỏ, gọi là Wheat Germ. Loại cỏ này người ta xay ra lấy nước uống. Nó có thể có công dụng làm chậm lại sự tiến triển của tế bào ung thư. Em thử tìm giúp anh.

- Em sẽ tìm nó cho anh.

Tôi hối hả vào sở thông báo với họ về anh. Người ta thông cảm hoàn toàn và còn khuyến khích tôi nên bỏ thì giờ để săn sóc anh. Lúc ấy tôi đang làm Tham Vấn Ðiện Toán cho một hãng lớn ở Irvine, người ta rất cần tôi cho dịch vụ điện toán năm 2000 nên đã trả lương rất cao. Ðây là thời kỳ cao điểm nhất trong cuộc đời làm chuyên gia của tôi. Vậy mà trước hoàn cảnh của tôi bấy giờ, họ sẵn sàng thích nghi với hoàn cảnh. Họ nói với tôi cứ việc vào sở mấy giờ cũng được. Làm được gì thì làm. Họ rất thông cảm và sẵn sàng giúp tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Tôi chân thành cảm tạ lòng tốt của họ. Trở về văn phòng, tôi làm nốt một mớ công việc đang làm nửa chừng, rồi giao phó, nhắn nhủ công việc với một người bạn. Tôi đọc một số email trước khi ra đi, một trong những email đã làm tôi choáng váng, email ấy từ một người bạn thân ở sở, Halina viết như thế này:

Chào Lan,

Báo cho Lan biết một tin buồn, người bạn thân mến của chúng ta ở Mazda, Ron Price, vừa mới qua đời ngày hôm qua. Ron bị khám phá mang bệnh ung thư khoảng một năm nay. Anh ấy bị ung thư phổi, rồi di căn lên óc. Tội nghiệp quá, Ron là người rất tốt, ai cũng yêu Ron.

Tang lễ đang tiến hành. Có gì cho Lan biết sau.

Halina Allain

Tôi lảo đảo từ giã mọi người, tôi đi tìm Wheat Germ cho anh. Nhưng tôi không biết phải bắt đầu đi về đâu.

Tôi đi vào các tiệm bán những thức ăn bồi bổ thiên nhiên và vitamin nhưng không một chỗ nào có.

Những gì anh nói không đủ để giúp tôi tìm kiếm. Tuy nhiên tôi cũng cố gắng diễn tả cho họ biết cái mà tôi muốn tìm. Tôi lần lượt đi hết chợ Mỹ này đến chợ Mỹ khác, chỗ nào họ chỉ, tôi cũng đi tìm đến, nhưng lần nào cũng thất vọng.

Trời đã xế trưa mà tôi vẫn còn lang thang ngoài đường. Mồ hôi tuôn ướt cả áo dù lúc ấy ngoài trời vẫn còn lạnh.

Tôi nhìn lên trời cao, cầu nguyện:

- Xin Chúa cho con tìm được những gì con đang đi tìm. Con không biết cái ấy là cái gì cả. Nhưng xin Chúa giúp con tìm được cho anh con.

Tôi là người ngoại đạo, nhưng tin có Chúa ở trên trời và tin rằng Chúa rất gần với tôi. Mỗi khi tôi nghĩ đến Ngài, là Ngài đến với tôi. Suốt cả cuộc đời tôi. Ngài luôn luôn có mặt bên tôi.

Sau cùng có người chỉ tôi đến chợ Trader Joe.

Thấy tôi lui cui tìm kiếm, một khách hàng người Mỹ rất trẻ đến hỏi tôi có cần gì không. Sau khi nghe tôi tả loại thảo mộc mà tôi đang đi tìm, anh ta nói với tôi:

- Tôi biết cô muốn tìm cái gì rồi. Ðó là wheat grass chứ không phải là wheat germ. Cô muốn mua wheat grass phải không ? Tôi biết một chỗ bán, tên chợ đó là Mother Market, cô đến đó thử tìm xem sao !

Lòng tôi mừng khấp khởi:

- Ông có thể cho tôi biết chợ đó ở đâu không ?

Người Mỹ trẻ lắc đầu:

- Rất tiếc tôi không biết cái chợ đó nó nằm ở đâu, nhưng nó không có nhiều, nghe đâu chỉ có một hay hai chợ ở California này mà thôi.

Tôi cảm ơn người Mỹ trẻ rồi ra đi.

Tôi ra xe gọi điện thoại cho tổng đài để nhờ họ cho số điện thoại của chợ Mother. Người đàn bà ở tổng đài cho tôi lộn số của một nhà hàng ngoại quốc có cái tên na ná như Mother. Tôi xin lỗi ông ta, cúp điện thoại, gọi lại tổng đài, một lần nữa, cô lại cho số điện thoại của cái nhà hàng đó. Tôi lên tiếng với tổng đài lần thứ ba:

- Tôi đã gọi hai lần, và lần nào quý vị cũng đều cho số lộn. Xin quý vị cho tôi số đúng của chợ Mother lần này.

Và lần thứ ba, sau cùng, thì tôi liên lạc được với chợ này.

Ðó là chợ Mother's Kitchen Market ở thành phố Costa Mesa cách nhà tôi khoảng 45-50 phút lái xe. Khi tôi vào đến nơi, tìm thấy được wheat grass, tôi mừng rơi nước mắt. Ðó là một vỉ cỏ xanh um rất đẹp, cao khoảng 6 inches, cũng như các cây cối họ bán ở vườn cây, wheat grass được họ rắc hột trồng trong một cái vỉ vuông vắn khoảng bằng một cái rổ to mà người Mỹ họ gọi là flat. Một vỉ cỏ như vậy tốn khoảng 7 đô la rưỡi.

Tôi hỏi họ rất kỹ về loại cỏ này, và cách thức dùng. Họ bỏ rất nhiều thì giờ cho tôi để nói về loại cỏ này và họ cho tôi một quyển sách về wheat grass để đọc. Họ khuyên tôi nên mua một cái máy xay rất là đặc biệt để xay cỏ. Cái máy xay cỏ này rất tức cười, nó rất thô thiển, kịch cợm,và rất nặng nề vì nó bằng sắt. Nó không phải là một loại máy xay sinh tố tối tân, nhẹ nhàng hiện đại mà gia đình nào cũng có. Tôi sờ tay vào máy thì bị dính dầu mỡ đầy tay, và mùi hăng hăng của kim loại làm tôi khó chịu. Tuy nhiên nó có thể xay cỏ ra cỏ và nước ra nước.

Giá bán máy này là 395 đô la. Tôi không ngờ sản phẩm tiểu công nghệ này mà lại đắt tiền đến như vậy.

Tôi than với họ là cái máy quá đắt tiền mà lại thô kệch, không xứng với đồng tiền. Họ cho tôi xem một cái máy khác, nhỏ hơn, nhưng hình dáng cũng như nhau. Giá tiền là 295 đô la cộng thuế là 318 đô. Tôi mua máy nhỏ này vì quả thực tôi không biết là có cần phải mua máy này hay không và có mua đúng loại hay không ? Cái máy nhỏ hơn nhưng cũng rất nặng, tôi khuân không nổi nên phải nhờ họ đem nó ra xe cho tôi.

Cũng từ tiệm này, tôi biết được họ mới mở thêm một chợ mới nữa, và may mắn cho tôi, chợ ấy ở thành phố Irvine và rất gần nơi tôi làm việc. Tôi trở về nhà thương, lòng chân thành cảm ơn Thượng Ðế đã sai khiến người Mỹ trẻ đó gặp tôi và chỉ đường cho tôi.

Khi anh biết tôi tìm được wheat grass, anh lộ vẻ vui mừng. Nhưng khi tôi cho anh biết về cái máy xay, anh lộ vẻ thất vọng, anh nhăn nhó:

- Ðắt như vậy hở em ? Em nên trả lại đi, em mua làm chi mà đắt tiền như vậy. Ðể anh nhờ mấy người bạn tìm giùm loại máy ấy ở những nơi khác rẻ hơn.

- Chờ đợi lâu lắm anh à, bây giờ mình cần gấp thì phải chịu vậy. Anh đừng lo, anh rất xứng đáng để được tất cả. Em không tiếc tiền đâu anh à !

Anh lắc đầu:

- Anh cũng biết vậy, lòng em thì quá tốt, nhưng không có cái máy xay sinh tố nào mà đáng giá 300 đô la cả, em tốn tiền nhiều, tội em !

Mãi về sau này thì tôi biết rằng, không có một cái máy nào có thể dùng cho wheat grass ngoài loại máy này. Tôi có đi tìm kiếm, cũng tốn thì giờ vô ích. Ngày ấy, tôi đã làm đúng.

Tôi đem cái máy về nhà rửa thật sạch. Ðể cho ráo nước rồi lau thật khô, cắt cỏ rửa sạch và xay cho anh uống. Người ta dặn tôi từ lúc xay cỏ lấy nước đến lúc cho người bệnh uống là phải trong vòng 15 phút mà thôi, nếu để lâu, nước cỏ sẽ không còn hiệu nghiệm nữa. Nước lấy từ trong cỏ ra có mầu xanh thật đậm, mùi nước cỏ rất nồng, làm cho tôi muốn ói. Người ta đã dặn tôi là chỉ cho bệnh nhân uống một ngày không quá 4 ozs. Nếu uống nhiều, bệnh nhân có thể bị ói mửa vì vị nó rất nồng và mạnh. Tôi xay khoảng 2 ozs cho anh uống thử. Tôi vội rửa cái máy rồi chùi lau cho khô, nếu không nó sẽ bị rỉ sét. Tôi chạy thật nhanh, như bị ai đuổi vì từ nhà đến giường bệnh của anh mất 7 cho đến 9 phút nếu đèn đỏ lâu và phải đi qua một parking dài.

Vào đến nơi, tôi vội chạy đến bên giường anh, đỡ anh ngồi dậy, cho anh uống wheat grass. Anh nhìn chai nước cỏ một lát, rồi để vào miệng ực một hơi, sạch trơn.

- Người ta nói chất cỏ này rất khó uống. Nếu uống nhiều sẽ làm bệnh nhân buồn nôn, rồi ói mửa. Anh cảm thấy như thế nào, có khó chịu không ?

- Không, anh không cảm thấy khó chịu chút nào, nó dễ uống lắm.

- Vậy là anh chịu thuốc rồi. Cái gì anh cũng không chê. Bà chủ chợ nói với em là wheat grass rất khó uống.

Cứ một ngày tôi cho anh uống hai lần, một lần hai muỗng canh.

Một ngày tôi phải chạy về nhà hai lần rất bất tiện. Ngày hôm sau, tôi khệ nệ tháo mở cái máy xay đem từng phần vào nhà thương rồi ráp cái máy lại vì nó quá nặng mà tôi thì đem lỉnh kỉnh rất nhiều những đồ vật khác cho anh ở trong túi xách. Tôi rửa cỏ sẵn ở nhà để cho thật khô ráo vì không muốn anh uống cỏ ướt nhiều nước sẽ không còn hiệu nghiệm, khi đem cỏ đến, tôi xay cho anh uống liền tại chỗ. Các cô y tá thấy tôi làm như vậy, các cô suýt xoa:

- You really love him and care for him so much.

Tôi trả lời:

- I will do anything for him. He is a wonderful man and deserves the best.

Tôi hỏi họ:

- Các cô có phiền không khi tôi đem cái máy này vào đây ? Cái máy này nó kêu to lắm !

Họ trả lời:

- Cô cứ làm những gì cô phải làm cho ông ấy. Chúng tôi cứ xem như không thấy gì cả, nếu có ai hỏi.

- Cảm ơn sự tử tế của các cô.

Nửa đêm, sau khi cô y tá vào chăm sóc cho anh, anh bắt đầu yên giấc, tôi vào sở làm việc. Công việc quá nhiều ứ đọng lại vì tôi không còn vào sở ban ngày nữa. Tôi làm đến 4 giờ sáng thì về thẳng nhà thương. Tôi ngủ một đêm một tiếng rưỡi đồng hồ. Sáu giờ sáng là thiên hạ bắt đầu cho một ngày sinh hoạt mới. Họ làm ồn ào phía bên ngoài hành lang, tôi không ngủ được nữa. Hơn nữa, khi mà tất cả mọi người đều thức giấc và làm việc mà tôi còn ngủ thì trông kỳ lắm !

Cũng trong thời gian này, tôi mong chờ một vị bác sĩ chuyên về khoa ung thư đến gặp anh, nhưng tuyệt nhiên chưa có một vị bác sĩ nào đến. Nhà thương này rất tốt, rất gần nhà, nhưng nó chỉ là nhà thương địa phương thôi.

Nó là một nơi rất lịch sự cho các bà đến sinh sản. Nhưng nó không phải là một bệnh viện chuyên khoa về ung thư. Tôi bắt đầu nóng ruột về anh, tôi bắt đầu than phiền với các bác sĩ tại đây và tôi xin chuyển nhà thương. Họ cứ lần lựa mà lấy hết lý do này đến lý do khác. Họ nói rằng hãng bảo hiểm của anh sẽ không chịu chuyển nhà thương, họ bắt nhà thương anh đang nằm phải trị bệnh cho anh ít nhất là một tuần trước khi chuyển nhà thương khác, rằng chuyển nhà thương không dễ vân vân và vân vân...

Tôi gọi điện thoại và bắt đầu hỏi thăm người ta về cách chuyển nhà thương.

Tôi muốn một là chuyển anh đi bệnh viện City of Hope, ở Los Angeles, hai là UCI là một trường đại học Y Khoa ở Orange. Lúc ấy tôi không biết một chút gì về UCI, nhưng nghe rất nhiều người Việt Nam cứ khen ngợi làm cho tôi có cảm tưởng rằng trường đại học UCI là một thiên đàng cho những người bệnh, nào là bác sĩ thật giỏi, phương pháp trị liệu tối tân, mới nhất, vân vân...

Tôi bàn với anh về hai bệnh viện này.

Lòng tôi thì muốn đem anh đi bệnh viện nổi tiếng trị ung thư City of Hope. Ðây là sự lựa chọn đầu tiên của tôi, nhưng vì bệnh viện này quá xa nơi tôi ở, nếu anh ở đây sẽ rất bất tiện cho tôi. Nội cái kẹt xe mỗi ngày sẽ giết tôi chết trước. Tôi sẽ bị kiệt sức, làm sao lo cho anh được nữa. Sau cùng tôi và anh đành chọn nhà thương số hai là UCI vì nó tương đối gần nhà và cũng là một bệnh viện nổi tiếng về trị liệu ung thư.

Tôi có hỏi một vị bác sĩ khác trong nhà thương này, ông ta nói là cả hai nhà thương chúng tôi chọn đều tốt cả. Khó mà nói cái nào hơn cái nào, dưới cái nhìn của một bác sĩ, ông cho tôi biết như vậy.

Minh Phượng có quen biết một vài vị bác sĩ, may ra Phuợng có thể cho tôi xin điện thoại của một vị nào đó để tôi có thể hỏi thăm cách thức và hỏi về UCI. Phượng cho tôi số điện thoại của bác sĩ HKH. Tôi gọi ông, ông đang bận, cô y tá nói là ông sẽ gọi cho tôi khi ông xong với bệnh nhân. Một tiếng đồng hồ sau, bác sĩ HKH gọi cho tôi. Sau khi nghe tôi nói về trường hợp của anh Phú, nằm nhà thương đã 3,4 ngày mà chưa được điều trị. Ông rất tiếc nói là nếu ngày xưa anh Phú là bệnh nhân của ông thì việc xin vào bệnh viện UCI sẽ dễ dàng hơn vì ông làm việc ở đó. Nhưng vì anh không phải là bệnh nhân của ông nên việc xin vào UCI khó hơn, nhất là bây giờ anh lại đang ở trong một nhà thương khác. Ông cũng nói, với bệnh ung thư, đôi khi hai tháng trời ung thư không phát triển gì nhiều lắm, ông khuyên tôi chớ quýnh quáng lên.

Tôi hỏi ông có biết một bác sĩ VN nào ở UCI không, tôi muốn liên lạc thẳng với vị bác sĩ đó. Bác sĩ HKH trả lời rằng không, không có một vị bác sĩ VN nào ở khu chuyên khoa Ung thư trong bệnh viện UCI cả.

Tôi nhất định không bỏ cuộc.

Ngày thứ tư 21 tháng 4 năm 1999

Từ sáng sớm, tôi tìm gặp vị bác sĩ thường nhật của anh và yêu cầu anh phải được chuyển đi một nhà thương khác lập tức.

- Nếu nhà thương này không có đủ khả năng trị liệu cho chồng tôi, tôi yêu cầu các ông phải đem chồng tôi đi nhà thương khác lập tức. Ngày mai sẽ là môït tuần lễ rồi mà chưa có ai là bác sĩ chính thức của ông ấy. Tôi muốn nội ngày hôm nay chồng tôi phải ra khỏi nơi đây. Xin các ông cố gắng giúp chúng tôi. Cảm ơn ông.

Ông bác sĩ lắc đầu:

- Việc chuyển nhà thương không có dễ như cô tưởng, hãng bảo hiểm sẽ gây khó khăn cho chúng tôi. Chúng tôi có bổn phận phải lo cho ông ấy đến khi nào chúng tôi không còn khả năng nữa thì mới tính đến chuyện chuyển nhà thương.

Tôi nhất định:

- Tôi không nghĩ như vậy. Tôi biết nhà thương này rất là tốt và rất có uy tín trong vùng này. Tuy nhiên đây không phải là một bệnh viện chuyên về khoa ung thư. Tại sao không chuyển chồng tôi qua nhà thương chuyên khoa, nơi đó người ta sẽ lo cho chồng tôi. Tôi rất nóng lòng cho chồng tôi. Tôi xin lỗi nếu tôi đã làm cho các ông thất vọng. Nhưng hiện tại ngay bây giờ, các ông đã làm tôi rất thất vọng. Tôi sẽ nói với các cô bên khu hành chính lo liệu cho tôi. Tôi muốn chồng tôi đi ngay ngày hôm nay.

Vị bác sĩ kêu lên:

- Ði ngày hôm nay ? Không thể nào được đâu cô ạ! Thủ tục không dễ như cô tưởng, phải tốn một thời gian ngắn nữa cô à.

Tôi xin phép ông tôi đi ra. Tôi chạy về phòng hành chính chuyên lo chuyển đổi nhà thương.

Tôi hối với các cô ở bên ấy là tôi muốn cho anh Phú chuyển đi qua UCI càng sớm càng tốt. Người nào cũng hứa sẽ giúp tôi hết lòng. Họ hứa là họ sẽ liên lạc bên UCI ngay lập tức cho chúng tôi.

Tôi cũng nói với họ là tôi không có gì để chê trách nhà thương này vì tất cả mọi người rất tử tế đối với chúng tôi. Tôi tin rằng nhà thương này rất tốt, nếu không nói là quá tốt, nhất là về vấn đề phục vụ bệnh nhân, tuy nhiên tôi muốn anh đi là vì chúng tôi cần một nhà thương chuyên chữa trị ung thư. Tôi mong mọi người thông cảm với tôi.

Họ vấn an tôi, và tỏ thái độ thông cảm với tôi.

Tôi chạy về phòng, hỏi thăm xem anh có cần gì không, tôi an ủi vỗ về, và chăm sóc cho anh, xay wheat grass cho anh uống.

Trước khi đi, tôi đem cái máy xay vào rửa vì nó rất dễ bị sét nếu lau không khô. Bất giác tôi ngửng đầu lên, nhìn hình mình trong gương, tôi giựt mình, tóc tôi bạc trắng. Mặt tôi hốc hác, tôi sực nhớ đã hai ngày nay, chưa có uống một miếng nước vào bụng, và cũng không có thì giờ để tắm gội.

Tôi đến bên giường anh trước khi ra đi, anh đưa tay nắm lấy tay tôi thật chặt và kéo tôi lại gần định hôn lên tay, tôi vội vàng rút tay lại, và nói:

- Mấy bữa nay bận khủng khiếp, em chưa có thì giờ tắm gội ...em không có sạch !

- Không sao đâu, cho anh hôn tay em thôi. Ðối với anh, em rất sạch. Tội nghiệp em quá ! Em phải lo cho em nữa chứ, nếu em có gì thì ai lo cho em, anh nằm đây rồi, em sẽ khổ lắm.

- Anh đừng lo, em có bề trên độ, em sẽ không bao giờ bệnh. Em phải đi đây. Em qua bên UCI, gõ cửa xin cho anh vào đó. Anh cần được trị liệu. Ở đây gần một tuần rồi mà chưa thấy gì, không biết họ kéo dài đến bao giờ. Em không thể chờ được nữa. Anh ráng ngủ nhiều đi anh, đừng chờ em mà sốt ruột.

Tôi lưu luyến chia tay anh.

Tôi lái xe đi xuống nhà thương UCI.

Trước khi rẽ vào bệnh viện, tôi thấy một tấm bảng tin tức bằng điện tử dựng trên một cái trụ đá vững chắc trong khuôn viên UCI, nói về bệnh viện của họ. Tấm bảng viết: Ðại học UCI là nơi có những cách trị liệu tối tân nhất, phát minh mới nhất, nơi quy tụ những bác sĩ kỳ cựu nhất trên toàn quốc. Tôi hy vọng như vậy.

Tôi vào phòng chỉ dẫn nói với họ rằng tôi muốn nói chuyện với bất cứ nhân viên nào có thể giúp tôi chuyển cho anh từ một nhà thương khác qua nhà thương này. Họ chuyển tôi về khu Chao Comprehensive Cancer Center. Tôi vội đi về phía bên đó. Tôi gặp cô tiếp viên ngồi ngay gần cửa ra vào. Cô là một người Á Châu trông rất hiền và rất nhỏ nhẹ dễ thương. Sau khi giới thiệu, tôi nói vắn tắt với cô là tôi cần nói chuyện với bất cứ ai có thể lo cho chồng tôi được nhập viện. Cô ghi tên tôi xuống. Cô bảo tôi ngồi chờ, cô sẽ liên lạc với một người có thẩm quyền đang làm việc ở văn phòng bên trong. Tôi thấy cô bắt điện thoại lên, nói chuyện với ai đó. Một hồi sau, cô cúp ống điện thoại nhỏ nhẹ bảo tôi:

- Xin mời cô ngồi chờ, sẽ có người ra nói chuyện với cô !

Tôi cảm ơn cô và yên lặng ngồi chờ.

Cô đem cho tôi một mớ sách nói về bệnh ung thư phổi và bướu óc. Tôi ngồi xuống một cái ghế gần đó, đọc những tài liệu này.

Không đầy mười phút sau, có một người đàn bà còn trẻ từ phòng trong tiến về phía tôi, đoán tôi là người muốn nói chuyện với cô, đến bắt tay tôi và giới thiệu:

- Chào cô, tôi tên Christine, tôi là giám đốc điều hành của trung tâm này. Cô có phải là cô Lan không ?

- Vâng, tôi là Lan, hân hạnh chào cô Christine.

Tôi hỏi cô là có nhân viên nào của nhà thương nơi anh đang nằm gọi cho cô chưa ?

Cô Christine cho biết là chưa có ai liên lạc với cô cả. Nhưng cũng có thể họ liên lạc khu khác trong bệnh viện này vì nhà thương này rất lớn.

Rồi tôi kể cho cô Christine nghe về trường hợp của anh Phú và tôi có ước muốn là được đem anh về bệnh viện này để điều trị. Nhưng tôi gặp rắc rối là nhà thương anh đang ở họ có vẻ chậm chạp quá. Họ bảo là chuyển nhà thương rất khó...

Sau khi nghe tôi nói xong, Christine có vẻ rất thông cảm. Cô ghi tên anh, nhà thương và số điện thoại nơi anh đang điều trị, và hứa với tôi là cô sẽ hết lòng lo cho tôi vụ này. Cô hỏi về anh và về tôi, chúng tôi nói chuyện rất nhiều, khoảng gần nửa tiếng đồng hồ. Cô có vẻ sốt sắng và sẵn sàng lắng nghe những gì tôi nói. Một lần nữa , cô hứa là cô sẽ lo cho anh Phú để anh được qua UCI.

Tôi cảm ơn cô và ra về vui mừng, mong cho những gì cô hứa với tôi sẽ thành sự thật.

Sau đó tôi đi xuống khu phố Little Sài Gòn để mua cho anh một vài thức ăn tạm và cho buổi ăn chiều: một tô phở chín vè dầy.

Khi tôi về đến nhà thương, anh mừng rỡ cho tôi hay là bệnh viện UCI đã chấp nhận cho anh nhập viện, và nhà thương này bằng lòng cho anh đi. Và nhân viên của UCI sẽ đến đón anh vào 5 giờ chiều hôm đó.

Anh hỏi tôi:

- Em đã làm cái gì ? Em nói cái gì với họ mà có kết quả nhanh như vậy ? Mới hồi chiều này họ còn chưa biết gì cả.

Tôi rất đỗi vui mừng anh được chuyển đi nhanh như vậy. Tôi thật không ngờ. Tuy nhiên, tôi rất hoang mang, không biết nhờ tài ăn nói của tôi thật sự hay đấy cũng chỉ là một sự ngẫu nhiên, do công của các cô thơ ký ở đây đã lo cho anh. Có thể cả hai.

- Em vào nói chuyện với một cô giám đốc điều hành chuyên lo nhập viện của khu cancer của họ. Em xin cô ấy cho anh vào nhà thương UCI. Cô ấy rất sốt sắng và sẵn sàng giúp em. Nhưng em không biết có phải vì em hay không, mà anh được đi hay vì các cô bên đây.

Tôi dọn dẹp phòng của anh cho gọn. Tôi xin hai cái bịch ni lông để đựng tất cả đồ đạc của anh. Tôi gói ghém cẩn thận bỏ từng món đồ vào bịch. Tôi gỡ cái máy xay wheat grass ra rồi tha từng phần lần lượt ra xe. Một lúc sau, những đồ đạc đã được dọn cất xong xuôi, tôi đem hết ra xe, trở vào, rửa tay và cho anh ăn phở, rồi chờ người của UCI đến đón anh.

Tôi làm việc quần quật suốt ngày, không có thì giờ để nghỉ ngơi hay ăn uống. Nhưng tôi phải nói với anh là tôi đã ăn một ổ bánh mì trên đường về để anh không phải lo cho tôi vì anh là chúa lo. Năm giờ đúng, UCI gọi điện thoại cho chúng tôi biết là họ sẽ đến trễ một giờ.

Sáu giờ chiều họ đến.

Trước khi ra đi, tôi chạy đi tìm các cô y tá để cảm ơn họ, vì như tôi đã nói, bệnh viện này rất hoàn hảo, mọi người rất đàng hoàng, chuyên nghiệp và hết lòng. Chỉ tiếc rằng họ không phải là một nhà thương chữa trị ung thư mà thôi.

Trước        Mục Lục       Tiếp