Trước Mục Lục Tiếp
Chương Hai Mươi Bốn
Những Rắc Rối Của Cuộc Ðời
Khoảng từ giữa tháng sáu đến tháng mười hai năm 1999 là thời gian bệnh trạng của anh tạm xem như ổn định mặc dù anh rất yếu và dễ bị mệt vì chất Chemo trong người vẫn thường hoành hành cơ thể của anh. Tôi bắt đầu đi làm việc ban ngày trở lại.
Thông thường thì tôi phải có mặt ở sở lúc 8 giờ30 sáng như tất cả mọi người. Nhưng vì tôi may mắn làm việc với một công ty rất tốt và giới điều hành rất rộng lượng bao dung nên giờ giấc làm việc của tôi tương đối khá uyển chuyển. Hơn nữa, tôi là tham vấn điện toán bằng khế ước chứ không phải là nhân viên thực thụ của họ nên tôi đi làm trễ về sớm cũng dễ dàng. Không ai thắc mắc, miễn sao công việc đừng bị đình trệ và xong việc thì thôi.
Mỗi buổi sáng, tôi thức dậy thật sớm, để xay wheat grass cho anh uống. Luộc bánh phở tươi cho anh, hâm nóng nước lèo, sắp xếp tôm, gà, bầy biện tươm tất muỗng đĩa khăn ăn rồi tôi kéo cái ghế của anh ra, để sẵn cho anh vào ngồi.
Anh ăn sáng khoảng chín giờ hơn. Tôi không ăn sáng, nên đem cà rốt mà tôi đã rửa thật kỹ tối hôm qua ra xay lấy nước cho anh uống, và hâm thuốc bắc để sẵn ở bàn ăn để cho anh uống. Tôi rửa chén bát, dọn dẹp chung quanh chỗ anh nằm cho thật gọn trước khi đi làm vì muốn cho anh được an toàn không vướng víu vào vật gì khi di chuyển trong nhà. Nếu có cần vào bếp thì bếp cũng sẽ rộng rãi sạch sẽ cho anh nấu nướng.
Xong xuôi rồi, tôi lại lo cho buổi cơm trưa của anh. Tôi lại sắp đặt bàn ăn một lần nữa. Thức ăn tôi múc sẵn ra tô, hay đĩa, đậy nắp lại cẩn thận, bỏ vào tủ lạnh, anh chỉ việc lấy ra để vào microwave hâm nóng lại trước khi ăn.
Tôi giúp anh những công việc lặt vặt khác rồi lên phòng thay y phục đi làm. Tôi thường đến sở khoảng sau 10 giờ mỗi buổi sáng.
Vào buổi chiều, nếu có đi bác sĩ thì thường chúng tôi hẹn khoảng 4 giờ. Tôi rời sở làm khoảng 2 giờ 45 hay 3 giờ chiều, để tránh nạn kẹt xe trên xa lộ. Về đến nhà, tôi hối hả chạy vào giúp anh thay quần áo nếu anh chưa thay kịp, tôi phụ anh mang vớ, giầy vào, rồi lại hối hả đưa anh ra xe để vào nhà thương cho đúng hẹn với bác sĩ. Nhưng lần nào cũng như lần nào, chúng tôi phải đợi gần một tiếng đồng hồ mới được gọi tên. Mặc dù họ bảo cái hẹn với chúng tôi là cái hẹn cuối ngày của bác sĩ và chúng tôi sẽ không phải chờ đợi lâu.
Có một lần, khi thấy anh có vẻ mệt mỏi, có lẽ anh cảm thấy yếu trong người vì ngồi chờ quá lâu, nhanh như thoắt, tôi lướt đi nhanh vào phòng mạch của bác sĩ của anh, may mắn cho tôi, các cô y tá không thấy tôi vào để cản lại, tôi bắt gặp ông bác sĩ đang nói chuyện trong điện thoại mà vừa thoáng nghe qua, tôi biết là ông đã ở trên đường giây này khá lâu. Ông ngừng nói điện thoại khi thấy tôi.
- Thưa bác sĩ tôi xin lỗi ông, tôi bắt buộc phải làm gián đoạn ông, nhưng chồng tôi đã chờ ông từ 4 giờ đến bây giờ và tôi cũng đã hối hả rời sở làm thật sớm để đến đúng hẹn với ông. Anh ấy không được khỏe trong người, xin ông cố gắng giùm chúng tôi.
Ông bác sĩ xin lỗi tôi rồi ra dấu bảo tôi đưa anh vào và từ biệt người bạn trong điện thoại.
Tôi mở cửa phòng đợi và gọi anh vào.
Anh than phiền tôi:
- Cái gì em cũng làm nhanh quá, từ từ mà làm. Khi không em chạy vô hối người ta làm chi ?
- Vì em thấy anh chờ lâu, mệt mỏi, em tội nghiệp cho anh. Thì giờ anh chờ đợi ở đây, thà ở nhà cho anh nằm trên giường nghỉ có lý hơn. Thì giờ của em cũng rất quý không thua gì ông bác sĩ kia đâu anh ạ ! Lần nào đưa anh đi bác sĩ em cũng phải hối hả, từ sở chạy về, rồi lại hối hả từ nhà đến đây làm mệt anh, để rồi ngồi chờ cả tiếng đồng hồ, em thấy nó phí quá ! Nếu biết như vậy, thì em đã không hấp tấp lo cho anh, cứ để anh làm từ từ, vì vội vã quá không tốt cho anh đâu !
Ở phòng mạch, vị bác sĩ trẻ vui vẻ chào hỏi chúng tôi. Ông hỏi thăm bệnh tình của anh. Ông khen là anh nhìn khỏe mạnh và hồng hào. Kết quả thử máu khá tốt, hồng huyết cầu và bạch huyết cầu vẫn bình thường. Tuy nhiên, ông yêu cầu anh trở lại hôm sau để chụp hình phổi để biết kết quả xem Chemo đã giúp gì được cho lá phổi bên phải của anh hay không. Ông sẽ so sánh kết quả X-ray mới với X-ray cũ của nhà thương trước để đo lường sự chậm lại hay bành trướng của ung thư.
Tôi vội nói:
- Nhưng các ông đã đưa cho tôi các kết quả của X-ray và CAT scan của nhà thương trước và tôi đã đem tất cả về nhà rồi. Ông sẽ lấy cái gì mà so sánh ?
Ông ngạc nhiên:
- Cô có giữ những kết quả ấy ?
- Vâng, một trong các ông đã đưa cho tôi và bảo tôi cất giữ.
Ông lại ngạc nhiên nữa:
- Thật là lạ, cô cất để làm gì ? Chúng tôi cất mới đúng chứ. Thôi, được rồi, nhờ cô đưa lại cho tôi để tôi cất, chúng tôi cần nó để so sánh.
Rồi nhìn anh, nói:
- Những gì vợ ông làm cho ông, tôi nghĩ là rất tốt. Tôi thấy ông hồi phục rất nhanh mà tôi thán phục.
Rồi quay sang tôi, ông nói:
- Những gì cô đang làm để giúp ông ấy được tốt đẹp như vậy, xin cô cứ tiếp tục.
Chúng tôi ra về và tôi hứa sẽ đem cho ông các bản X-ray và CAT scan mà tôi đang giữ để giúp ông thẩm định kết quả mới của anh.
Nhưng đó là một điều lầm lỗi cho chúng tôi, vì sau đó, họ để lạc mất hết những tài liệu đó của tôi, mà sau này, vị bác sĩ đó nói là ông không thể nào tìm lại được. Những kết quả X-ray hay CAT scan của anh bị thất lạc gần hết.
Có đôi khi chúng tôi vào để mong nhìn kết quả X-ray, vị bác sĩ nói là chưa có kết quả vì ông ta chưa nhận được tài liệu từ phòng quang tuyến mà anh Sĩ Phú đã vào chụp cách đó mấy ngày trước.
Tôi buộc lòng phải lên tiếng:
- Khi ông Phú có hẹn với ông lúc 4 giờ, thì tôi nghĩ là ông phải nhờ y tá thu thập tất cả các tài liệu trước đó của bệnh nhân mà ông sắp sửa khám để khi gặp bệnh nhân ông có trước mặt ông hình ảnh X-ray chứ ! Tôi nghĩ là ông đã quên ông Phú rồi. Tôi không thể nào tưởng tượng nổi là ông Phú đã chụp không biết bao nhiêu X-ray ở nhà thương này rồi mà chúng tôi vẫn chưa bao giờ được xem một lần.
Thuở đó, việc đi khám bệnh định kỳ là những việc chúng tôi làm gần như hàng ngày, vì ngày nào chúng tôi cũng đều có mặt ở bệnh viện UCI không vì lý do này, thì cũng vì lý do khác.
Sau một thời gian lui tới, chúng tôi rất thất vọng về lối làm việc của một vài bác sĩ trẻ tại đây. Tôi đề nghị với anh:
- Em không thích lối làm việc của các bác sĩ tại đây. Nếu anh không nghĩ là họ chạy chữa cho anh hết lòng, và nếu vì đây là một trường đại học Y Khoa, thiên hạ đến rồi đi, không ai ở lâu để lo lắng tận tình cho bệnh nhân, thì có lẽ em sẽ kiếm nhà thương khác cho anh. Ở đó, ít bác sĩ hơn ở đây, nhưng ít ra người ta là bác sĩ chuyên nghiệp và người ta không dời đổi liên tục như nhà thương này, người ta sẽ biết anh và quen thuộc với bệnh tình của anh hơn là các ông bác sĩ đang thực tập này, anh nghĩ như thế nào ?
- Bây giờ em muốn đưa anh đi nhà thương nào ?
- St Joseph ở thành phố Orange, không xa UCI cho lắm, hoặc St Jude ở thành phố Fullerton rất gần nhà mình ! St Jude là nhà thương của em, họ rất chuyên nghiệp và rất chu đáo !
Anh ngần ngừ một chút, buồn bã nói:
- Thôi, đi đâu nữa em !
- Anh ơi, em không muốn làm đau lòng anh, hay gây hoang mang cho anh, nhưng họ có vẻ hỗn loạn quá, em không tin tưởng họ cho lắm. Em không muốn giao mạng sống quý giá của anh cho những người quá trẻ, chưa có kinh nghiệm. Ðây là một cái trường học. Nhìn thấy lối làm việc của họ, em không tin họ. Anh à, có lẽ vì em đi làm cho người Mỹ 25 năm nay, em là một trong những người ở trong cái guồng máy vô cùng phức tạp của xã hội này, em đã thấy quá nhiều cái bề trong thiếu trật tự của nó, nên em nghi ngờ sự thành thật và chuyên nghiệp của họ. I don't trust anyone except me ! Không ai hết lòng cho ai hết, anh à ! Tất cả cũng chỉ là một cái job, cái công việc mà người ta phải làm mà thôi.
Anh chần chừ mãi, sau cùng, anh nói:
- Thôi em ạ, anh không muốn thay đổi giữa chừng. Nhà thương nào rồi cũng vậy thôi. Anh đã quen với nhà thương này rồi. Dù họ có gì đi nữa, ít ra họ đã biết căn bệnh của anh. Ở UCI có nhiều bác sĩ, nhiều đầu óc tốt hơn là một cái đầu óc. Họ có thể tham khảo ý kiến lẫn nhau về lối trị bệnh. Phương pháp nào tốt nhất là họ sử dụng. Thôi thì mình ráng chờ một thời gian nữa xem sao?
Nhưng chúng tôi đã không ngừng lại ở đây mà lại bàn luận rất nhiều sau đó, có nên thay đổi bệnh viện hay không. Sau cùng, tôi chiều anh, và không nhắc đến việc thay đổi bệnh viện nữa.
Có một lần, tôi phải lên tiếng than phiền chính thức với bà Donna Baker, giám đốc điều hành nhân sự và xã hội. Bà chân thành nói:
- Cảm ơn cô Lan, chúng tôi cũng đã biết về những lỗi lầm, sơ sót của chúng tôi. Tuy nhiên, sự thật như thế này sẽ giúp chúng tôi thấy một cách cụ thể những lỗi lầm đó để mà sửa đổi. Tôi sẽ nhắn lại với bác sĩ Spillane những gì cô nói.
Ngày hôm sau, bác sĩ Spillane gọi điện thoại cho tôi ở sở, ông xin lỗi tôi nếu chúng tôi đã bị phiền lòng. Ông nói:
- Tôi thật lấy làm tiếc vô cùng nếu đã làm cho cô và ông Phú buồn lòng, vì tôi rất mến cô và ông Phú. Ông Phú là một bệnh nhân có trình độ và rất đàng hoàng mà tôi rất quý nể. Chúng tôi sẽ cố gắng thay đổi. Từ rày về sau, khi cô và ông Phú vào thăm bệnh cho ông ấy, cô sẽ thấy hồ sơ bệnh trạng của ông ấy lập tức. Cô sẽ thấy những gì cô muốn thấy. Cô có biết không, có nhiều bệnh nhân họ không muốn thấy và không muốn biết về diễn tiến bệnh trạng của họ. Vì thế cho nên tôi tưởng là cô và ông Phú cũng không muốn thấy như họ. Cô là một trong số ít những người muốn biết. Từ rày về sau, tôi biết ý cô rồi, cô và chồng cô sẽ được am tường, nhé !
- Cảm ơn bác sĩ, tôi xin được lập lại, cá nhân ông, ông không có gì làm gì cả để chúng tôi phải than phiền, chúng tôi chỉ muốn thấy những kết quả mà thôi, dù xấu hay tốt, chúng tôi muốn biết. Nhưng từ ngày chồng tôi vào nhà thương này đến giờ, chúng tôi chưa từng được thấy gì cả. Nếu ông không có bằng chứng trong tay, thì làm sao mà ông có thể so sánh? Vì như ông nói, ông cần hình để so sánh mà. Nhưng nếu ông không cần hình, thì tại sao lại bắt chúng tôi vào chụp làm chi cho tốn thì giờ của chúng tôi ? Nếu ông chỉ đoán không thôi, tôi sợ sự ước đoán của ông không chính xác, ông sẽ chữa mò thì làm sao việc chữa trị cho chồng tôi có hiệu quả ? Tôi mong rằng ông không buồn tôi. Cứ đặt ông vào địa vị tôi hay ông Phú đi, thì ông sẽ hiểu lòng chúng tôi hơn. Chồng tôi rất hiền, anh ấy hiền lắm, không bao giờ than thở cả, cứ chịu đựng triền miên, tôi không muốn thấy anh ấy chịu đựng nhiều hơn nữa, anh ấy rất xứng đáng để được nhận sự lo lắng của ông và tôi. Tôi có bổn phận phải lo cho anh ấy chu toàn. Một lần nữa, tôi mong ông thông cảm cho chúng tôi.
- Tôi hiểu, tôi hiểu hoàn toàn những gì cô nói. Tôi thành thật xin lỗi cô. Từ rày về sau, khi đến phòng mạch, nếu cô cần gì thì cứ nhắc tôi. Nếu ngày thường không có hẹn với tôi, mà cô có cần gì, thì cô cứ gọi pager của tôi. Cô có giấy bút sẵn đó không ?
- Có, ông cứ đọc đi !
Vị bác sĩ trẻ đọc số pager của ông cho tôi.
- Khi nào cô cần gì, cứ gọi tôi. Tôi sẽ gọi lại cho cô.
- Ông có chắc ông sẽ gọi lại cho tôi không ?
- Chắc chắn tôi sẽ gọi cho cô !
Ðúng y như lời của ông, khi tôi có câu hỏi gì, tôi gọi pager của ông, ông luôn luôn gọi lại cho tôi.
Thế là từ đó về sau, tôi, anh Phú và bác sĩ Spillane có được một sự thông cảm sâu xa hơn. Ông có vẻ chịu khó để ý đến chúng tôi hơn và thường nói chuyện với chúng tôi khá lâu mỗi lần đến thăm bệnh. Ông rất quý anh Sĩ Phú qua những lần nói chuyện và luôn luôn nói về anh với một sự ngưỡng mộ.
Nhưng, lạ một điều, là tôi chưa từng được xem những hình quang tuyến họ đã chụp cho anh vì lý do này hay lý do khác.
Ðó là trường hợp với bác sĩ chuyên khoa ung thư phổi, còn về bác sĩ chuyên khoa về thần kinh thì cũng không khác gì. Chúng tôi cũng phải chờ đợi thật lâu thường là một tiếng đồng hồ hay hơn, để gặp bác sĩ. Nhưng hình như mỗi lần chúng tôi đến thăm bệnh với bác sĩ thần kinh thì luôn luôn gặp một bác sĩ mới. Vì như đã nói, đây là một trường đại học Y Khoa, sinh viên đến học, thực tập, rồi đến ngày ra trường thì ra đi, hoặc là họ bị đổi sang bệnh viện khác. Người mới thực tập đến thay cho người vừa rời trường. Rồi lại cứ tiếp tục mãi như thế?
Duy có bà bác sĩ Ramsinghani là hình như ở lại lâu nhất vì bà đã là bác sĩ thực thụ. Anh Sĩ Phú rất quý bà. Anh nói với tôi:
- Bà này có một gương mặt hiền lành như một người mẹ. Anh cảm thấy rất yên tâm với bà ấy và tin tưởng vào bà vì nét dịu hiền, từ tốn và kiến thức về y khoa của bà.
Ngày 6 tháng 6 năm 1999
Sáng sớm chủ nhật, anh dậy thật sớm để ra ngoài tập Khí Công. Tôi ở nhà hút bụi nhà cửa và lo bữa điểm tâm cho anh. Tôi đề nghị với anh:
- Hôm nay trời nắng đẹp quá, em chở anh đi nhà thờ cầu nguyện rồi chở anh ra biển chơi cho thoáng khí. Anh cần được thở không khí trong lành ở ngoài biển. Anh đi nhé ?
- Anh không muốn đi đâu hết em ạ, anh chỉ thích ở nhà !
- Anh không thấy bực bội ở nhà hoài hay sao ?
- Không, anh không thấy bực bội chút nào.
- Nhưng tội anh quá, suốt cả tuần ở nhà, rồi ngày cuối tuần không lẽ lại ở nhà nữa sao ? Anh ráng đi chơi một chút, ra biển có không khí trong lành, sẽ giúp anh dễ chịu, anh không muốn đi sao ?
Anh ngần ngừ mãi. Chẳng nói gì.
Sau khi ăn một tô phở thật nóng, uống thuốc vào đầy đủ. Anh bằng lòng cho tôi đưa anh đi chơi:
- Ừ, đi thì đi, em sửa soạn đi, anh như vầy là xong rồi đó !
Anh vặn TV lên xem trong lúc chờ tôi thay quần áo.
Chuẩn bị cho một ngày bận rộn, tôi đem mũ đội che nắng, nước cho anh uống, kính mát cho anh, và một cái gối để hờ trong xe.
Chúng tôi vào nhà thờ cầu nguyện, rồi đi thẳng ra bãi biển Corona Del Mar.
Biển xanh quá đẹp, đẹp tuyệt vời. Trời thật trong, không một áng mây. Gió biển nhẹ nhàng thổi, tà áo của tôi phất phơ tung bay theo gió. Nắng đã lên cao, nắng ấm dịu dàng, quyện lấy chúng tôi, mơn trớn trên da mặt, trên tóc, trên môi gây cho chúng tôi một cảm giác dễ chịu lạ thường. Tiếng sóng vỗ rì rào vào bờ đá tạo nên một âm thanh gần như rất tự nhiên và nhẹ nhàng như tiếng ru thì thầm của ai đó. Xa xa ngoài kia, lấp lánh trong không gian vô tận, giữa trời, nước và ánh sáng lóng lánh như pha lê, những con thuyền mong manh đang lướt sóng ra khơi. Lung linh những cánh buồm trắng tinh, lướt theo chiều gió, thẳng cánh ra khơi đem theo bao hy vọng cho một ngày đầy hứa hẹn. Một bức tranh linh động tuyệt vời ngay trước mắt chúng tôi.
Tôi và anh tìm một cái băng đá ở trên cao, ngồi nhìn ra khơi mông lung theo dõi những cánh buồm, mỗi người một ý nghĩ. Anh ngồi yên nhìn ra biển thật lâu không nói gì. Hồn anh như hòa tan vào bầu không gian tuyệt vời đó. Anh đội mũ sụp xuống tới mắt để che những tia nắng chứa chan đang làm chói mắt anh hay cũng có lẽ, để cho anh được riêng rẽ trở về với những kỷ niệm thân yêu của một khoảng không gian xa vắng nào đó.
Tôi ngồi gần anh, đưa tay sờ nhẹ vào tay anh. Anh nắm lấy bàn tay tôi, siết nhè nhẹ. Không nói gì.
Tôi gợi chuyện:
- Biển đẹp quá phải không anh ? Anh có thấy khỏe không?
- Biển đẹp thật, anh cảm thấy dễ chịu lắm !
Một bầy chim biển từ đâu bay đến sà xuống chỗ chúng tôi ngồi. Chúng lục lọi thức ăn, mổ mổ cái mỏ xuống mặt đất. Tôi mở xách tay lấy ra một mớ bánh mì vò nát trong tay, rồi rải đều ra trên mặt đất xa xa cho chúng bay lại đó mà mổ. Anh nói cho tôi nghe về loài chim và những đặc tính của chúng và lần lần, chúng tôi chuyển qua tâm sự, rồi câu chuyện lại kéo dài đến quá giữa trưa. Anh giục tôi:
- Thôi mình đi em !
- Anh còn muốn đi đâu nữa không ?
- Thì em cứ lái xe đi về hướng Bắc dọc theo biển. Anh muốn đi lang thang một tiếng đồng hồ nữa rồi về nhà.
Tôi lái xe nhắm về hướng về thành phố Newport Beach và Huntington Beach.
Vượt qua hai thành phố này, tôi đến thành phố Seal Beach và sau đó là thành phố Long Beach. Anh bảo tôi ngừng xe lại, chúng tôi vào một tiệm bán nước giải khát xinh xinh bên đường. Anh kêu hai ly nước cam vắt. Ðưa một ly cho tôi. Chúng tôi tìm một cái bàn nhìn ra biển.
- Em có muốn ăn gì không ?
- Cảm ơn anh, em không muốn ăn gì hết.
- Nhưng mà từ sáng đến giờ em không có ăn uống gì cả, em không đói bụng à ?
- Em có thể nhịn đói suốt ngày mà không đói. Anh an tâm.
- Em ăn uống thất thường như vậy, anh sợ em sẽ bị bệnh. Không tốt cho cơ thể đâu em à.
- Thì cũng như xưa kia anh ăn uống thất thường, em cũng lo cho anh lắm. Bây giờ anh có hiểu nỗi lòng của em ngày xưa không ?
Anh lặng thinh, thở dài.
Giải khát xong, chúng tôi lại tiếp tục ra đi.
- Anh có khỏe không ? Có nên tiếp tục đi nữa hay trở về ?
- Mình đã đi quá xa rồi, em cứ tiếp tục đi tới nữa đi.
Tôi lại lái xe phóng về hướng San Pedro. Thành phố vùng biển cực Nam của quận Los Angeles này là thành phố đầu tiên ở Mỹ mà tôi đặt chân lên hồi năm 1975. Từ Long Beach để đi về San Pedro, chúng tôi phải đi qua một khu kỹ nghệ hạng nặng và thương cảng có tên là Long Beach Ship Yard. Chung quanh khu vực là những nhà kho và hãng xưởng rất cũ kỹ, xấu xí không có lấy một mái nhà. Chẳng may cho chúng tôi, vừa lúc ấy, chiếc xe của tôi lần lần chạy chậm lại và bị tắt máy hẳn. Tôi không có cách nào để làm cho xe nổ máy nữa. Tôi vô cùng lo lắng vì bị mắc kẹt ở giữa cánh đồng đìu hiu mông quạnh như thế này, không còn gì xui xẻo cho bằng.
Một xe cảnh sát ở đâu rà đến tức thì.
Sau khi tôi nói với ông ta là xe mới vừa bị tắt máy, ông ta nhờ tôi xem lại xe còn xăng hay không, tôi bảo xe còn xăng rất nhiều. Ông giúp tôi gọi hãng AAA và đẩy xe của tôi về một chỗ an toàn hơn. Tôi nhìn đồng hồ, lúc ấy đã hai giờ hơn. Tôi an ủi anh:
- Anh ráng chịu khó chờ một chút nhé, cứ dựa đầu vào gối mà ngủ đi. Ðể em lo.
- Anh ngủ làm sao được. Xui quá, bị hư xe ở giữa đây, không biết họ có tìm được chỗ này không ? Xe của em còn mới mà lại là xe Ðức nữa mà lại hư thì đáng thất vọng lắm !
Nỗi lo của anh rất đúng. Sau khi chờ gần một tiếng đồng hồ mà họ cũng chưa đến. Vị cảnh sát hồi nãy trở lại, ông ta lên tiếng: v
- Họ cũng chưa đến à ?
- Chưa, họ có gọi tôi bảo là họ đang trên đường đi đến.
Ông lại dặn dò tôi một vài lời rồi ra đi.
Lại thêm một tiếng đồng hồ trôi qua, xe cần trục của họ vẫn chưa thấy đến. Tôi nhìn từng chiếc xe chạy vụt đến rồi đi, nhưng tuyệt nhiên không có một cái xe cần trục nào hết. Tôi bắt đầu sốt ruột. Nhìn đồng hồ, gần bốn giờ chiều.
Anh rất mệt mỏi, ngồi trong xe chờ đợi. Tôi sợ anh lo lắng mà mệt mỏi hơn, cho nên tôi gọi họ lại vài lần nữa.
Tôi lo lắng thò đầu vào xe hỏi anh:
- Anh chắc mệt lắm phải không cưng ?
- Anh rất mệt, nhưng không sao đâu, em cứ yên tâm. Anh còn chịu được mà !
Sau cùng tôi liên lạc được bằng điện thoại di động với ông tài xế xe cần trục. Ông cho biết ông bị lạc đường hơn một tiếng đồng hồ và đang chạy tìm lối ra.
Mãi năm giờ hơn, xe cần trục của ông mới lù lù đến. Ông xin lỗi lia lịa, bảo với tôi là chỗ chúng tôi bị hư xe rất là khó tìm vì nó không có tên trên bản đồ và ông chưa từng đến đó bao giờ mặc dù tôi đã chỉ chỗ cho ông rất rành rẽ.
Ông tìm mọi cách để chữa xe, nhưng vô ích, xe chết máy không thể nào chạy được. Ông liền câu xe của tôi về hãng xe Shelly Motors cách đó gần 10 dặm.
Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm khi thấy bóng dáng thành phố, nhà cửa và người ta.
Tôi giao xe cho họ xem xét, mới biết là cái bộ phận cơ khí để bơm xăng bị hỏng. Vì là chiều tối chủ nhật, họ không thể làm gì được cả cho nên tôi phải để xe lại đó để cho họ sửa. May mắn thay cho chúng tôi, trên đường đến hãng xe, chúng tôi gợi chuyện với ông tài xế xe cần trục, mới biết rằng nơi ông ta ở không cách xa nhà cô em gái của tôi là bao, ông ta bằng lòng chở chúng tôi về nhà của em tôi vì ông ta cũng đang trên đường về nhà sau một ngày làm việc vất vả. Từ hãng xe về nhà cô em của tôi khoảng hơn 45 dặm. Khi đến nơi, chúng tôi cảm ơn ông và hậu tạ bằng một số tiền xứng đáng. Kha, người em rể của tôi, chở chúng tôi về nhà lúc 7 giờ 30 tối.
Cuộc đi chơi rất thơ mộng của chúng tôi đã biến thành ác mộng vì sự chờ đợi xe đến cứu mấy tiếng đồng hồ ở ngoài trời tại một nơi xa lạ, đồng hoang hiu quạnh đã làm cho anh mệt mỏi mất sức và đó cũng là nỗi lo sợ phập phòng trong lòng tôi trong suốt chiều hôm đó.
Trước Mục Lục Tiếp
|